Vụ án Tân Việt Phát 2 và bài học về công tác cán bộ, xây dựng đảng

(PLO)- Nhiều cán bộ thấy sai nhưng không dám đấu tranh, nhắm mắt làm ngơ và vai trò mờ nhạt của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đã góp phần tạo ra vụ án này.

Từ ngày 10 đến 17-5-2023, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử đối với 12 bị cáo nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và lãnh đạo các sở ngành trong vụ án vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại tại dự án Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, TP Phan Thiết.

TVPBC.png
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh PLO.

Tất cả các bị cáo đều là đảng viên, đều bị khai trừ và phải lãnh mức án từ 18 tháng tù treo đến 5 năm tù giam.

Giao đất năm 2017 lấy giá năm 2013

Mặc dù thiệt hại tài sản không lớn (hơn 45 tỷ đồng) so với các đại án tham nhũng khác nhưng vụ sai phạm này được đánh giá là rất nghiêm trọng nên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo từ tháng 8-2021.

Dự án Khu dân cư Thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 có diện tích hơn 92.000m2 gồm 3 lô đất 18,19, 20 do Công ty Cổ phần Tân Việt Phát làm chủ đầu tư.

Ngày 7-1-2008, UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất đối với 3 lô đất này và đến ngày 4-7-2013, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung quỹ đất đấu giá, sau đó phê duyệt giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1.200.000 đồng/m2) để làm căn cứ đấu giá quyền sử dụng đất.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận đã hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá công khai 3 lô đất này 6 lần nhưng không có tổ chức, cá nhân nào tham gia đấu giá.

TVP.png
Khu đất Dự án Tân Việt Phát 2.

Đến tháng 2-2017, Sở TN&MT có công văn đề nghị UBND tỉnh giao cho Công ty Tân Việt Phát 3 lô đất trên không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được áp giá đất từ năm 2013, với giá 1.200.000 đồng/m2.

Sau đó 3 lô đất trên được giao vào năm 2017 nhưng tính giá đất năm 2013.

Khi cán bộ “nhắm mắt” làm theo chỉ đạo

Đáng nói là trước đó chưa đến một năm, ngày 26-7-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã ký quyết định “điều chỉnh giá đất để xác định tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Trong đó giá đất ở đô thị tại phường Phú Hài, Phan Thiết tại khu vực 3 lô đất nói trên được điều chỉnh tăng lên 1,6 triệu đồng/m2.

TVP4.png
Cơ quan điều tra Bộ Công an đi thực địa khu đất dự án Tân Việt Phát 2.

Tất cả đều qui định rõ ràng, thế nhưng đất vẫn được giao với giá 1,2 triệu/m2, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước dù trước khi tỉnh Bình Thuận giao đất đã có rất nhiều công văn trao đổi, lấy ý kiến, tờ trình, đề xuất giữa Chi cục Quản lý đất đai; Trung tâm Phát triển quỹ đất; Sở TN&MT; Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh…

Tất cả 12 cán bộ đang thụ án tù và nhiều cán bộ khác có liên quan trong vụ án này đều thừa biết việc giao đất năm 2017 nhưng định giá năm 2013 sẽ gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước; trái với khoản 3, Điều 108 Luật Đất đai.

Cụ thể, việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải xác định theo giá đất tại thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất. Đặc biệt là việc thẩm định, phê duyệt giá đất phải thực hiện theo những quy trình chặt chẽ nhưng tất cả những người liên quan đều bỏ qua, vì sao?

TVP2.png
Cơ quan điều tra và VKSND Tối cao khám xét nhà riêng ông Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo hồ sơ vụ án, trong mẫu ký trình phiếu giải quyết công việc ngày 27-1-2017 của Trung tâm quỹ đất để tham mưu cho Sở TN&MT có công văn đề nghị UBND tỉnh giao đất, trong phần yêu cầu ghi: “Nêu rõ ý kiến thống nhất hay không thống nhất, nếu không thống nhất nêu rõ lý do”.

Và 10 lãnh đạo của Trung tâm quỹ đất; Chi cục đất đai; Văn phòng Sở TN&MT đã ký tên thống nhất mà không có một ý kiến nào phản biện khi thừa biết là có sai phạm.

Theo TAND TP Hà Nội, các bị cáo ở Chi cục đất đai; Trung tâm quỹ đất; Sở TN&MT đều phụ trách lĩnh vực đất đai nên biết rất rõ việc áp giá đất trên là trái qui định pháp luật; bị cáo Ngô Hiếu Toàn, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính biết việc thống nhất ý kiến của Sở TN&MT về việc áp giá đất năm 2013 là trái qui định pháp luật… Tuy nhiên tất cả đều đồng ý.

“Hành vi của các bị cáo gây dư luận xấu cho xã hội, góp phần làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây cũng là bài học cho những cán bộ, công chức, viên chức còn giữ tác phong làm việc chưa mẫn cán; thiếu tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình…”, bản án của TAND TP Hà Nội nêu.

Những ý kiến lẻ loi

Người duy nhất có liên quan, có quan điểm rõ ràng trong vụ giao đất này là ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (hiện là Bí thư Thành ủy Phan Thiết) bằng bút phê của mình.

Cụ thể, ngày 6-2-2017, sau khi nhận được công văn của Sở TN&MT, Văn phòng UBND tỉnh lập phiếu trình xin ý kiến chỉ đạo về 3 lô đất này. Trong khi Phó Chánh Văn phòng và ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đều có ý kiến thống nhất, ký duyệt thì ông Nam không đồng ý.

Ý kiến của ông Phạm Văn Nam ngày 9-2-2017 ghi rõ “Văn phòng đề nghị Sở TN&MT lấy ý kiến Sở Tài chính, làm rõ thêm nội dung năm 2016 tại sao không tổ chức bán đấu giá?”.

TVP3.png
Cơ quan điều tra khám xét nhà riêng ông Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên sau đó, Sở TN&MT đã không thực hiện theo ý kiến của ông Nam, chỉ phát hành công văn gởi Sở Tài Chính lấy ý kiến về việc giao đất không qua đấu giá và tính giá đất năm 2013…

Vai trò mờ nhạt của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh

Ngoài việc các cán bộ có liên quan chưa biết nói không; thấy sai không đấu tranh, phản biện thì vai trò của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trong vụ giao đất này mờ nhạt.

Theo UBKT Trung ương, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy chế làm việc. Không họp bàn cho chủ trương đối với các dự án đầu tư trên địa bàn theo thẩm quyền; không báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy một số dự án trước khi triển khai thực hiện và dự án có điều chỉnh, thay đổi.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, qua kiểm tra, xác định gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, lãng phí tài nguyên; gây bức xúc trong xã hội.

Do đó ngày 26-4-2022, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020…

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XIII) đã quyết nghị về công tác xây dựng Đảng vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, cấp bách và hợp lòng dân.

Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, gắn chặt phòng với chủ động tiến công để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Do đó với “căn bệnh” thấy sai không đấu tranh, nhắm mắt bỏ qua không những đã làm cho sức chiến đấu của tổ chức Đảng suy giảm mà qua vụ án này là một bài học lớn cần phải được nhận diện, ngăn chặn góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm