Hôm qua, một người bạn của tôi đã block nick trên mạng xã hội của hai đồng nghiệp nam của cô ấy.
Lý do là cô tình cờ vào trang cá nhân của một người trí thức, anh này đăng tấm ảnh một phụ nữ vô tình cúi xuống, để lộ một phần vòng một. Và có rất nhiều người thản nhiên vào bình luận, nhận xét mang hàm ý tính dục. Hai đồng nghiệp của cô nằm trong số tác giả của những bình luận ấy.
Ai cũng biết nếu bị gạn hỏi, cả người chụp ảnh, người đăng ảnh lẫn người bình luận đều nói là mình chỉ đùa. Họ coi đó là bình thường và chưa hề dừng lại để hỏi: Mình sẽ có cảm giác thế nào nếu người thân của mình, nếu vợ, con, chị/em gái của mình bị đùa cợt kiểu như thế?
Không hiếm để tìm thấy những câu chuyện “tào lao mặn” tương tự, người bị bình phẩm là một người cụ thể, chỉ “để cho vui”. Và không hiếm khi câu chuyện có cả sự tham gia của phụ nữ.
Quấy rối tình dục (QRTD) có thể là hệ quả của văn hóa, nó không được coi là nghiêm trọng, có thể từ chuyện đùa như vậy.
QRTD cũng đến từ sự bất bình đẳng nam nữ. Những bộ phận cơ thể của phụ nữ được đưa ra để bình phẩm, đàm tiếu nhiều hơn so với nam giới.
Sự thiếu quyết liệt, xuề xòa, dễ bỏ qua trong gia đình, công sở, nhóm bạn chơi chung. Gần như không ai coi việc đùa cợt quá trớn ấy vào diện đánh giá về tư cách nên nó cứ tiếp diễn; và khi gặp một bối cảnh phù hợp, nó có cơ hội tăng cấp theo hướng tiêu cực thành hành vi QRTD. Vì vậy, danh sách những nạn nhân có thể còn kéo dài.
Còn về pháp lý? Pháp luật hiện hành quy định về QRTD không rõ ràng. BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không có điều luật riêng cho hành vi này, nếu không bị xử lý về các tội xâm phạm tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô thì một số hành vi quấy rối ở mức độ nghiêm trọng được đưa vào tội làm nhục. Các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự cũng không nêu rõ dấu hiệu, hành vi QRTD.
Riêng Bộ luật Lao động và Nghị định 12/2022 có quy định về xử phạt hành vi QRTD tại nơi làm việc. Nhưng với những liệt kê mô tả như quy định thì trong nhiều trường hợp, kẻ quấy rối sẽ chối và khả năng chứng minh của nạn nhân lẫn cơ quan chức năng là rất khó khăn.
Trong bối cảnh có khoảng cách quá xa giữa mong muốn điều chỉnh và quy định cụ thể của pháp luật, tiền lệ pháp (án lệ) có thể được sử dụng để điều chỉnh. Song hình như cũng chưa có án lệ nào về QRTD.
QRTD là xâm phạm nhân phẩm và quyền tự do của con người, nó cần bị chế tài một cách nghiêm khắc. Nhưng đa số vụ việc bị tố cáo, phát hiện và bị xử lý đến nay chỉ có những chế tài kỷ luật hoặc nhắc nhở mang tính đạo đức.
Nạn nhân bị QRTD đa phần là phụ nữ. Họ thường e ngại trong việc lên tiếng để bảo vệ mình. Họ sợ đủ thứ: Sợ xấu hổ, sợ dư luận tấn công ngược: “Mình phải thế nào đàn ông mới quấy rối chứ!”. Và cũng có khi họ mủi lòng cho qua khi thủ phạm năn nỉ ỉ ôi vì đủ thứ lý do.
Khi đó, chính các nạn nhân này không ý thức đầy đủ rằng sự thiếu quyết liệt của mình sẽ dung dưỡng cho kẻ quấy rối để chúng có thể tiếp tục tái diễn với những nạn nhân khác.
Văn hóa, pháp lý, sự ngại ngần của nạn nhân, sự thờ ơ của mỗi người đã trở thành môi trường cho nạn QRTD tồn tại. Chúng ta thờ ơ với tệ trạng đó, cho đến khi một người ta yêu quý hoặc chính bản thân mình trở thành nạn nhân…