Nạn trộm chó và những chuyện đau lòng - Bài 3: Nghiện ngập và liều lĩnh

Vậy mà hơn hai năm sau, một thanh niên sát nhà Phong vẫn liều mạng đi trộm chó và suýt bị đánh chết.

Ở Nghệ An, chuyện kẻ trộm chó bị dân đốt xe, đánh chết hầu như ai cũng nghe, cũng biết, kể cả kẻ trộm. Ấy vậy nhưng kẻ trộm vẫn không hề biết sợ. Vì thế, người làng ở khắp nơi phải tìm cách tự bảo vệ chó cưng của mình với nhiều kiểu, nhiều cách rất lạ lùng.

Chặn cổng, rào làng như thời chiến

Đập vào mắt người đi đường khi vào xóm Bùi Bùi, xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An) là khung chiếc xe máy bị đốt cháy treo trên cột điện kèm tấm bảng ghi dòng chữ “Xe ăn trộm chó”. Người dân xóm này cho biết họ phải làm vậy để thị uy, cảnh cáo những tên trộm chó.

Chị Nguyễn Thị Hòa (nhà ở bên cột điện treo xác xe máy) kể một trưa tháng 11-2011, có hai tên đi xe máy vào xóm ăn trộm chó, bị dân làng đuổi bắt được. “Lúc đó người dân bu đến đông lắm, kẻ đấm, người đá khiến hai tên trộm nhừ tử. Người nhà hai tên trộm hay tin vội vã chạy đến van xin, nếu không dân họ đánh chết cả hai rồi. Sau đó dân đốt chiếc xe máy của hai tên trộm rồi mang cái khung xe ra treo ở cột điện. Từ đó nạn trộm chó ít dần…” - chị Hòa nói.

Cách đây chừng một năm, người dân các xã Nghi Long, Nghi Thịnh, Nghi Trung (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã đưa ra sáng kiến chống trộm chó bằng cách dựng nhiều barie để ban đêm rào chắn đường vào làng. Đúng 22 giờ mỗi đêm, tất cả barie dẫn vào xóm làng được đóng, khóa lại, “lệnh giới nghiêm” được thực hiện đến 5 giờ sáng hôm sau y chang như thời chiến. Ban ngày, nếu có “cẩu tặc” xâm nhập, chỉ cần đánh kẻng báo động là tất cả các barie được hạ xuống, rào lại, bọn trộm chỉ còn nước bỏ xe chạy bộ. Ấy thế nhưng biện pháp này xem ra vẫn chưa hiệu quả tuyệt đối 100% bởi thỉnh thoảng vẫn bị mất chó.

Nạn trộm chó và những chuyện đau lòng - Bài 3: Nghiện ngập và liều lĩnh ảnh 1

Barie rào chắn ngang đường vào trung tâm xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để chống trộm chó. Ảnh: ĐẮC LAM

Ông Nguyễn Bá Tuế (ở xã Nghi Trung) nói: “Thời đại này cực chẳng đã người dân mới phải làm barie ngăn làng chống trộm như vậy. Từ khi có rào, nạn trộm có đỡ hơn. Ban đêm, bọn trộm cướp không thể phóng xe nhanh và rú ga ầm ĩ như trước nữa. Có điều mỗi khi nhà ai có người đi cấp cứu hay có việc gì giữa đêm là phải đi mượn chìa khóa để mở rào chắn, rất bất tiện”. Ngoài ra, từ ngày có rào chắn, ban đêm thanh niên đi chơi, tán gái đều phải… rút về sớm trước giờ “giới nghiêm”.

Hầu hết bọn trộm nghiện ma túy

Cuối năm 2011, Công an huyện Nghi Lộc phối hợp cùng các xã mở hai đợt hội nghị kiểm điểm 20 đối tượng trộm chó, thu hút hàng ngàn người dân đến dự. Tại hội nghị, người dân thẳng thắn chỉ mặt và tố các đối tượng ăn trộm chó, gà của họ. Một số người phẫn nộ cho rằng “không thể dung thứ cho bọn trộm này” và đòi nhảy lên đánh các đối tượng. Lúc đó ông Nguyễn Đình Đại (ở xã Nghi Long), đại diện cho người dân, đứng lên nói: “Bọn trộm chó đã làm xã hội đảo lộn, đời sống nhân dân không yên ổn. Chúng tôi mong các bậc làm cha, làm mẹ cần nghiêm khắc dạy bảo con cái, không bao che cho tội lỗi con em mình”.

Theo ông Võ Thanh Long, Phó Trưởng Công an xã Nghi Long, sau hội nghị kiểm điểm, khoảng một nửa số đối tượng trộm chó biết xấu hổ nên đã lên đường vào Nam tìm việc làm, số còn lại thì vẫn tiếp tục… hành nghề trộm, nhiều tên trong số này từng bị bắt. “Hầu hết bọn trộm chó đều nghiện heroin nên mới liều lĩnh như thế” - ông Long nói.

Điều đặc biệt là ngay ở những làng nơi cư ngụ của những tên trộm chó từng bị dân đánh chết thì nạn trộm chó vẫn bị hoành hành không thua kém những làng, xã khác. Có nghĩa là kẻ trộm từ làng, xã này qua làng, xã khác trộm chó, trong khi chó của làng, xã họ lại bị kẻ trộm từ nơi khác đến “xơi”.

Nạn trộm chó và những chuyện đau lòng - Bài 3: Nghiện ngập và liều lĩnh ảnh 2

Ông Hoàng Công Dương (xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An) thẫn thờ trước di ảnh con trai Hoàng Công Hiệp. Ảnh: ĐẮC LAM

Bởi vậy, khi đến thăm nhà ông Hoàng Công Dương (bố của Hoàng Công Hiệp, người trộm chó vừa bị đánh chết ngày 12-10) ở xóm 16, xã Nghi Long, chúng tôi phải đi qua hai rào chắn barie như thế. Điều trớ trêu là ngay trước cổng nhà ông Dương có một rào chắn chống trộm chó như thế. Vậy mà…

Nhiều người dân ở đây cho biết Hiệp là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em. Là một thanh niên điển trai, Hiệp rất hay tươi cười, cư xử với làng xóm láng giềng rất hiền lành, chan hòa. Ông Võ Thanh Long, Trưởng Công an xã Nghi Long, xác nhận: “Hiệp trước đây rất ngoan hiền, chỉ hai năm trở lại đây đi theo bạn bè rồi nhiễm thói hư hỏng. Năm 2011, chúng tôi đã đưa Hiệp ra kiểm điểm trước toàn dân, sau đó Hiệp có thay đổi, theo cha đi phụ hồ, xây dựng thuê. Nhưng không ngờ gần đây Hiệp lại đi theo bạn bè lêu lổng để rồi phải chết thảm như thế”.

Căn nhà cấp bốn của gia đình Hiệp khá khang trang. Sau khi an táng con thì mẹ của Hiệp gần như bị bệnh liệt giường. Nước mắt rưng rưng, bà nói: “Ở nhà Hiệp nó rất nhút nhát, bảo nó cắt tiết con gà để làm thịt nó cũng không dám làm. Cách đây hai năm, nó bị tai nạn xe máy, bị chấn thương nặng nên từ đó đầu óc không được tỉnh táo như trước. Nó hỏng là do bị bạn bè lôi kéo…”. Đưa tay lau nước mắt, bà tiếp: “Sáng hôm ấy hai mẹ con tôi đang đưa thóc ra sân phơi cho khô thì Hiệp nhận được điện thoại bạn gọi đến, nó mặc quần cộc đi bộ ra khỏi nhà. Ai ngờ nó bị bạn bè rủ rê đi trộm nên mới bị mất mạng oan như vậy…”.

Sát gương tày liếp vẫn không biết chờn

Trên số báo ra ngày thứ Bảy (27-10) chúng tôi đã đề cập đến cái chết thương tâm của Nguyễn Đình Phong ở xã Nghi Phong, Nghi Lộc (Nghệ An). Hơn hai năm trước, Phong đi trộm chó bị dân bắt được đánh đến chết rồi đốt xác, trên tay vẫn còn cầm chiếc cần dùng để câu trộm chó.

Nạn trộm chó và những chuyện đau lòng - Bài 3: Nghiện ngập và liều lĩnh ảnh 3

Hình ảnh để thị uy, răn đe phường trộm chó ở xóm Bùi Bùi, xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An). Ảnh: ĐẮC LAM

Sau vụ này, những tưởng phường trộm chó sẽ chờn. Ấy vậy nhưng Đào Ngọc Lâm ở sát nhà Phong vẫn không sợ chết là gì. Chính Lâm là người cùng đi cướp chó với Hiệp dẫn đến Hiệp bị đánh chết, còn Lâm thì may mắn trốn thoát khỏi sự cuồng nộ của dân làng. Hiện Lâm đã bị bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản, chờ ngày ra hầu tòa.

Lý giải về sự liều lĩnh của Lâm, ông Nguyễn Đình Nam (xóm trưởng xóm 3) cho rằng “tại ma túy cả!”. Ông Nam kể Lâm đã lập gia đình và đã có một con. “Chúng tôi đã tuyên truyền, giáo dục nhiều lần. Nhưng vì nghiện ma túy nên Lâm mới làm liều như vậy. Cả Phong và Lâm đều nghiện nặng. Vì vậy, để giải quyết nạn trộm chó thì trước hết phải giải quyết nạn ma túy, sau đó tính thêm bài toán công ăn việc làm cho thanh niên”.

Chúng tôi đến nhà Lâm nhưng chẳng gặp được người thân nào của cậu ta. Khi sang nhà Phong, vừa nghe hỏi chuyện, bà Đông, mẹ của Phong, nước mắt đã chực chờ. Trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ rộng chừng 30 m2, bà nghẹn ngào nói: “Nhục và đau lắm chú à. Con dại thì cái mang, tôi sống hiền lành từ nhỏ mà nay phải chịu khổ, chịu nhục lây vì con”.

Bà Đông kể Phong là con trai duy nhất trong bốn đứa con nên được bà cưng chiều từ nhỏ. Học hết lớp 9 thì Phong nghỉ học, thường xuyên la cà đàn đúm với bạn bè. Rồi Phong cưới vợ, năm 2002, con gái đầu lòng của Phong ra đời cũng là lúc bà Đông biết tin con trai mình bị nghiện ma túy. Bà cắt bán một nửa mảnh vườn để đưa Phong đi cai hết 80 triệu đồng nhưng rồi Phong vẫn đâu vào đó. Cho đến sáng 7-6-2010, bà nhận được hung tin con mình đi cướp chó bị người ta đánh chết, đốt xác giữa đồng…

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm