Mùa thu hoạch tôm ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và những vùng nuôi tôm khác ở khu vực miền Tây lẽ ra là những ngày vui của bà con nông dân nhưng nhiều gia đình choáng váng, nợ nần, bỏ xứ đi biệt tích vì lượng tôm bị mất.
Bà con căn cứ vào lượng thức ăn cho tôm ăn hằng ngày đã biết mình bị mất hàng tấn tôm nhưng không biết bị trộm cách nào cho đến khi camera ở ao tôm anh Lê Duy Châu, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi vô tình ghi được.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, nạn thương lái trộm tôm đã xảy ra từ nhiều năm trước...
Cả làng vây bắt 30 người nhóm thương lái trộm tôm
Bốn năm trước, vào tháng 7-2016, tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, Cà Mau từng xảy ra một vụ trộm hàng chục giỏ tôm của ông Võ Văn Hùng (ngụ cùng địa phương) nhưng nhóm thương lái không bị xử lý.
Trước đó, anh rể của ông Hùng thu hoạch tôm (ở sát ranh đất của ông Hùng) nhưng bị mất quá nhiều so với ước tính. Người này qua bàn với ông Hùng là vẫn gọi nhóm thương lái hôm trước đến bán tôm để ông phục kích bắt quả tang rồi buộc họ đền luôn số tôm ông bị mất.
Đúng như dự đoán, hôm sau khi kéo tôm của ông Hùng để mua, nhóm thương lái đã ra tay.
Ông Hùng kể: “Nhóm thương lái bảo tôi cùng một người nhà cân đo kích cỡ tôm, dù trước đó họ đã đo rồi. Họ làm vậy để phân tán sự tập trung của gia đình cho đồng phạm kéo trộm tôm từ dưới đầm lên phía sau cái thùng phuy. Tôi giả vờ chú ý cân đo cỡ tôm, sau đó đột ngột quay người lại và phát hiện nó đang kéo tôm trộm. Tôi nhảy đến chụp lấy cái giỏ tôm tang vật mới kéo lên và la làng để mọi người cùng bắt trộm”.
Khi ông tri hô, cả nhóm thương lái bỏ chạy nhưng bà con trong xóm đã tiếp sức vây ráp toàn bộ khu đồng tôm, 30 người của nhóm thương lái bị giữ lại. Ngay sau đó, công an xã đến lập biên bản sự việc.
Tuy nhiên, vụ việc sau đó xử lý như thế nào thì người liên quan không rõ. “Không biết công an đã xử lý nhóm trộm thế nào” - ông nói.
Về vụ này, trong văn bản ngày 10-7-2020 mà Công an huyện Phú Tân cung cấp cho Pháp Luật TP.HCM nêu: Tang vật vụ trộm chỉ 15 kg tôm và hai bên đã thỏa thuận nên không xử lý hình sự. Công an xã Rạch Chèo lúc đó chỉ phạt hành chính 1,5 triệu đồng đối với hai người cầm đầu là Trần Văn Tiên và Nguyễn Văn Sang (cùng ngụ tỉnh Bạc Liêu) về hành vi trộm cắp tài sản.
Khi chúng tôi cung cấp thông tin này cho ông Hùng, ông cho biết chính ông chụp lấy tang vật là một giỏ tôm trên 30 kg, vừa bị kéo trộm từ dưới ao lên. “Nhiều bà con ở xóm này đến và đều thấy rõ cái giỏ tôm tang vật đó trên 30 kg. Giá tôm trên 100.000 đồng/kg thì đã hơn 3 triệu đồng. Chưa kể là khi công an đến, chúng tôi xuống ao tôm, phát hiện còn cả chục cái giỏ chứa đầy tôm chuẩn bị kéo lên...” - ông nói.
Chúng tôi yêu cầu Công an huyện Phú Tân cung cấp biên bản ban đầu và một số hồ sơ liên quan vụ trộm tôm của ông Hùng nhưng cơ quan này cho biết toàn bộ hồ sơ vụ trộm tôm trên đã thất lạc. “Do thời điểm đó Công an xã Rạch Chèo còn bán chuyên trách. Năm 2018 chuyển sang thay thế toàn bộ công an xã chuyên trách. Quá trình bàn giao công việc, hồ sơ đã thất lạc” - Thượng tá Cao Minh Tuấn, Trưởng Công an huyện Phú Tân, nói.
Ông Võ Văn Hùng (bìa phải) kể lại vụ trộm tôm ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, Cà Mau bốn năm trước. Ảnh: T.VŨ
Nhóm trinh sát bất đắc dĩ tìm hiểu một vụ mất trộm tôm ở Phú Tân, Cà Mau.
Kẻ trộm tôm trấn nước chủ ao khi bị phát hiện
Tại Bạc Liêu, gần năm năm trước đã xảy ra một vụ trộm tôm đình đám khác mà nông dân ở xã Vĩnh Trạch không quên.
Chuyện xảy ra vào tháng 12-2015, tại đầm tôm công nghiệp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Còn, bà Nguyễn Thị Vân, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu. Vợ chồng ông Còn đến giờ vẫn nhớ rất rõ toàn bộ diễn biến hôm đó.
Nhóm nông dân gửi kiến nghị đến HĐND tỉnh Cà Mau Ngày 8-7, nhóm nông dân bị trộm tôm tấn ở Cà Mau đã gửi kiến nghị đến HĐND tỉnh Cà Mau. Nội dung đơn xoay quanh vấn đề trộm tôm đã xuất hiện nhiều năm qua tại Cà Mau nhưng vì sao cơ quan chức năng không cảnh báo cho người dân? Những vụ trộm người dân không bắt được quả tang thì công an có điều tra hay bỏ qua? Do kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau thứ 12, khóa IX diễn ra ngày 9 và 10-7 không có phần chất vấn, trả lời chất vấn nên đơn trên được trả lời sau bằng văn bản. |
“Tôi bắt quả tang họ đang kéo trộm một giỏ tôm mấy chục ký từ dưới ao lên, không cân kéo mà để trà trộn vào khu vực tôm đã cân rồi. Tôi la làng, bọn họ bỏ chạy tán loạn nhưng sáu người đang ở dưới đầm không chạy kịp. Thế là nhóm thương lái đuổi đánh, trấn nước con trai tôi để giải vây cho những người còn mắc kẹt dưới đầm tôm. May mà nó vùng vẫy được, không chết”.
Vợ chồng bà Vân khẳng định vụ trộm này rất lớn, bắt quả tang, dưới ao tôm còn nhiều giỏ tôm tang vật khác. Sau khi sự vụ xảy ra, nhiều người bị Công an TP Bạc Liêu tạm giữ. “Nhóm trộm đã chấp nhận bồi thường số tôm bị mất của tôi với số tiền 200 triệu đồng. Tôi đã nhận số tiền này và có làm đơn xin bãi nại cho họ. Từ đó đến nay tôi không biết họ bị xử lý thế nào” - bà Vân nói.
Ngày 4-7, Pháp Luật TP.HCM đã gửi các yêu cầu cung cấp thông tin đến Ban giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu về kết quả xử lý vụ trộm trên. Ban giám đốc đã đồng ý và giao cho Công an TP Bạc Liêu cung cấp. Tuy nhiên, sau ba lần liên hệ qua điện thoại, chúng tôi vẫn chưa được trưởng Công an TP Bạc Liêu hẹn ngày cung cấp.
Cần quan tâm hơn đến tin báo trộm tôm của nông dân “Hãy quan tâm hơn mọi tin báo mất trộm tôm” - nông dân Lê Duy Châu, nạn nhân trong vụ án trộm tôm tấn ở huyện Đầm Dơi, kiến nghị đến cơ quan chức năng. Anh Châu lý giải: “Nhóm chúng tôi đi tìm hiểu thì có rất nhiều vụ trộm tôm người dân đến báo công an xã nhưng không được quan tâm đúng mức vì công an bảo rằng không bắt được quả tang thì khó điều tra. Như vậy là thiếu trách nhiệm, công an phải quan tâm hơn nữa tin báo mất trộm tôm của người dân” . Anh dẫn chứng là gần chục người trong nhóm đều gặp phải tình trạng báo tin mất trộm nhưng công an địa phương chưa quan tâm đúng mức. Còn anh Lê Hoàng Em, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau thì kiến nghị xử lý nghiêm khắc và tuyên truyền mạnh những vụ trộm tôm. “Trong vụ trộm tôm nhà ông Võ Văn Hùng và Lê Văn Cảnh ở huyện Phú Tân tương tự vụ xảy ra ở ao tôm anh Lê Duy Châu nhưng có ai biết đến vụ đó đâu. Nếu vụ đó mà làm tới nơi tới chốn, tuyên truyền rộng rãi trong dân thì hôm nay đâu có nhiều người gặp họa thế này” - anh Lê Hoàng Em nói. |