Nâng chất và lượng cho trạm y tế

Ngày 17-3, Pháp Luật TP.HCM có bài “Một đêm ở trạm y tế xã” phản ánh tình trạng nhân lực ít, chế độ thấp mà việc thì nhiều tại Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A, thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Ngày 7-4, ông Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, cho biết sau bài báo, huyện này đã bổ sung ngay cho Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A hai nhân sự, một điều dưỡng và một y sĩ, tổng cộng trạm y tế này có 14 người.

Xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM cũng đã  trao đổi với ThS-BS Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, về những hạn chế và giải pháp cùng định hướng phát triển cho y tế phường/xã trên địa bàn TP trong thời gian tới.

Đảm bảo đủ bác sĩ

. Thông tư liên tịch 08/2007của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, nhân lực trạm y tế không quá 10 người, tuy nhiên họ đang phải làm quá nhiều việc. Vậy có bất cập và Sở Y tế tháo gỡ như thế nào?

+ Theo chủ trương chung của TP hiện nay, nhân lực của trạm y tế có thể vượt quá 10 người nếu phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Quan điểm này cũng đã được Bộ Y tế đưa vào dự thảo đề án tăng cường hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới để trình Bộ Chính trị.

Khám trước tiêm vaccine cho trẻ tại Trạm Y tế Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: TÙNG SƠN

. Theo kế hoạch phát triển đến năm 2015, mỗi trạm y tế tại TP.HCM có hai bác sĩ. Vậy có khả thi không khi hiện nay chỉ mới có 85% trạm y tế có bác sĩ?

+ Ở đây ta cần làm rõ về con số. Hiện toàn bộ trạm y tế của TP.HCM đều đã có bác sĩ thường xuyên thực hiện khám, chữa bệnh tại trạm, trong đó 91,3% trạm y tế đã có bác sĩ cơ hữu, các trạm còn lại có bác sĩ được luân phiên về từ cơ sở y tế tuyến quận, huyện (theo số liệu thống kê của Sở Y tế cuối năm 2013).

Về nhân lực, TP đã có các kế hoạch, chương trình với mục tiêu đến năm 2015 đạt tỉ lệ 15 bác sĩ/vạn dân, trong đó 100% trạm y tế xã có ít nhất một bác sĩ. Như vậy, ngay tại thời điểm hiện tại, ngành y tế đã đạt được chỉ tiêu này nhờ đề án luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2013-2020.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch của đề án bác sĩ gia đình, đến cuối năm 2015 TP sẽ triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở các trạm y tế nên việc đảm bảo tỉ lệ 100% trạm y tế có ít nhất một bác sĩ vào cuối năm 2015 là hoàn toàn khả thi và có thể còn cao hơn nhiều.

Trợ cấp cho cán bộ y tế xã

. Nhưng bất cập là trạm y tế phường chỉ để chống dịch, làm các chương trình quốc gia chứ khám, chữa bệnh thì người dân đã vào bệnh viện. Trong khi y tế xã thì vừa khám, chữa bệnh, vừa làm các chương trình quốc gia. Sở Y tế có nghĩ đến phương án trạm y tế liên phường nhằm tăng nhân sự cho các trạm y tế xã trọng điểm?

+ Vai trò của trạm y tế trong chăm sóc sức khỏe người dân là hết sức quan trọng. Vấn đề là làm sao thu hút được ngày càng nhiều bệnh nhân đến với tuyến y tế phường, xã. Hiện nay, ngành y tế TP đã phối hợp với BHXH triển khai việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các trạm y tế. Ngoài ra, đề án bác sĩ gia đình và các giải pháp tổng thể cho trạm y tế của TP sẽ nâng tầm trạm y tế trong mắt người dân.

. Bác sĩ ra trường về phường/xã làm không quá 6 triệu đồng/tháng. Y sĩ, điều dưỡng thì càng thấp. Như vậy họ sẽ không yên tâm công tác. Vậy ngành y tế TP có chế độ ưu đãi nào khác không?

+ Hiện nay, ngoài các chế độ chính sách được hưởng theo quy định như: Lương, phụ cấp đặc thù thì cán bộ y tế khi về nhận công tác ở trạm y tế được TP trợ cấp hằng tháng theo quy định. Thí dụ bác sĩ về xã thì được thêm hơn 1,2 triệu đồng, về phường là 600.000 đồng và trung tâm y tế dự phòng là 330.000 đồng. Riêng huyện Cần Giờ là 1,4 triệu đồng/người/tháng (đối với bác sĩ, cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng…).

. Sắp tới trạm y tế sẽ khám, chữa bệnh BHYT và bác sĩ gia đình nhưng cơ chế về thuốc, dịch vụ… thì quá thấp sẽ không thu hút được người dân?

+ Để đảm bảo cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, trong thời gian qua, ngành y tế TP đã đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế..., phê duyệt danh mục kỹ thuật cho các trạm y tế đủ điều kiện thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.

. Xin cảm ơn ông.

DUY TÍNH thực hiện

 

. Nhiều ý kiến cho rằng mỗi quận cần có một trung tâm tiêm phòng cho trẻ, để trạm y tế làm chuyên môn khám, chữa bệnh và làm các chương trình quốc gia?

+ Đối với TP.HCM, trong thời qian qua, trạm y tế đã có vai trò rất lớn trong sự thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng. Trung tâm y tế dự phòng quận/huyện cũng đã giám sát, hỗ trợ hiệu quả và sẵn sàng tăng cường cho trạm trong công tác tiêm phòng.

Sở Y tế TP rất trân trọng các ý kiến đóng góp về việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở, trong đó có ý kiến đề nghị thành lập trung tâm tiêm phòng chung cho mỗi quận, huyện. Tuy nhiên, việc đề xuất một mô hình mới cần phải dựa trên các nghiên cứu, phân tích khoa học về chính sách y tế, quản lý hệ thống y tế cũng như kinh tế y tế. Sở Y tế ghi nhận và chuyển các chuyên gia nghiên cứu thêm về ý kiến này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm