Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3-2024, đại diện Bộ Tài chính cho rằng biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến 20% nên chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Thông tin này khiến người dân thất vọng, không đồng tình vì việc căn cứ vào CPI không phù hợp với thực tế chi tiêu cuộc sống của người dân.
Bất hợp lý rổ CPI
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định khi CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.Trong khi đó, CPI từ năm 2020 - thời điểm điều chỉnh gần nhất mức giảm trừ gia cảnh đến nay chưa biến động đến mức 20%.
Trước thông tin trên, chị Thúy Hạnh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) tỏ ra thất vọng. Chị cho rằng căn cứ giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN theo CPI là quá cứng nhắc, chưa sát với thực tế cuộc sống.
“Áp dụng mức tính giảm trừ gia cảnh như hiện nay gây thiệt thòi cho người lao động, người dân vốn đã chật vật tiết kiệm chi tiêu còn phải đóng thuế nhiều” - chị Hạnh chia sẻ.
Chị Hạnh lấy ví dụ từ đợt dịch COVID-19, nhiều mặt hàng tăng giá 20%-30%; học phí mấy năm nay đều tăng từ bậc mầm non đến đại học. Thực tế ở TP.HCM, với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân chỉ 11 triệu đồng/tháng là quá thấp vì họ phải trang trải chi phí cho cả gia đình. Mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng cũng không đúng với thực tế. Chẳng hạn, riêng học phí mầm non thấp cũng 3-5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền sữa, tiền bỉm, tiền ăn, tiền khám chữa bệnh…
Luật sư - chuyên gia thuế Trần Xoa cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của Luật Thuế TNCN khi quy định CPI tăng 20% thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Quy định này cho thấy một số bất cập.
Ví dụ, tính từ khi Luật Thuế TNCN được ban hành vào năm 2007 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh hai lần. Như vậy, trung bình khoảng 6-7 năm, mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh một lần. Đây là khoảng thời gian quá dài, không phản ánh kịp thời những biến động về chi phí tiêu dùng của người dân.
Hơn nữa, việc tính CPI dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý, vì những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên dưới 10 mặt hàng. Nếu tính trung bình mức giá của hơn 700 mặt hàng thì CPI chắc chắn chỉ vài phần trăm và phải cộng dồn năm năm may ra mới lên tới 20%. “Như vậy, để chờ biến động CPI 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ gây thiệt thòi cho người nộp thuế” - ông Trần Xoa phân tích.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh chỉ được thực hiện khi biến động CPI lũy kế qua các năm trên 20% là không còn phù hợp.
“Với mức lạm phát một năm chỉ khoảng 3%-4% như hiện nay, nghĩa là phải 5-7 năm chúng ta mới điều chỉnh một lần. Điều này không phù hợp trong bối cảnh mức sống của người dân ngày càng nâng cao. Chưa kể lạm phát giữa các năm không cùng một mẫu số, giả dụ cùng một mức khoảng 3% thì 3% của năm sau sẽ lớn hơn mức 3% của năm trước nên việc cộng gộp lại để thành tổng 20% là không hợp lý” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Sửa ngay, không chần chừ nữa
Theo luật sư - chuyên gia thuế Trần Xoa, nếu Bộ Tài chính căn cứ theo CPI thì phải điều chỉnh hạ thấp mức tăng CPI làm căn cứ điều chỉnh giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN.
Ví dụ, lấy mức biến động 5%-10% thay vì 20% như hiện nay để điều chỉnh kịp thời và phản ánh đúng mức tiêu dùng cũng như mức thu nhập thực tế còn lại của người dân sau thuế.
Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng thì càng tốt, hợp lý. Ví dụ, tính mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế gấp năm lần mức lương tối thiểu vùng. Còn người phụ thuộc có mức giảm trừ gia cảnh bằng 40% người nộp thuế.
“Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng 1 tại TP.HCM là 4.680.000 đồng/tháng. Nếu lấy lương tối thiểu vùng nhân hệ số 4 thì mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế khoảng 18,7 triệu đồng/người/tháng. Mức giảm trừ người phụ thuộc bằng 40% người nộp thuế, tương đương khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng. Khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh, có thể từng năm thì mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN cũng nâng lên” - luật sư - chuyên gia thuế Trần Xoa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cũng cho rằng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN thời điểm này để giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế, từ đó số thu thuế TNCN vẫn sẽ tăng.
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, cần nghiên cứu để cắt giảm từ bảy bậc xuống còn năm bậc thuế. Đồng thời xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.
Lương vừa nhích lên, thuế đã tăng
TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cho hay với khoảng cách của các bậc thuế TNCN hiện tại thì ngay khi lương vừa nhích lên vài trăm ngàn đồng là người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Mức thuế suất thuế TNCN nên cao nhất là 25%, chứ không phải 35% như hiện nay.
“Khoảng cách bậc của biểu thuế cần đạt mục tiêu khuyến khích người có thu nhập cao, tăng cường đầu tư, tích lũy, tạo công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Và cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm 2024 chứ không nên chờ đợi thêm” - TS Huỳnh Thanh Điền nói.