Nắng nóng, những thức ăn nào dễ ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm?

(PLO)- Gần đây, xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Các bác sĩ cảnh báo thời tiết càng nóng ẩm, vi sinh vật và vi khuẩn có hại càng phát triển nhanh khiến một số thực phẩm dễ ôi thiu, nguy cơ gây ngộ độc.

Mới đây, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ hơn 500 người nhập viện sau khi ăn bánh mì, nghi do ngộ độc thực phẩm.

Ngày 2-5, tại TP.HCM cũng đã xảy ra vụ 15 học sinh tiểu học ở TP Thủ Đức nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi trước cổng trường.

Chia sẻ với PLO, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết thời tiết càng nóng ẩm, vi sinh vật và vi khuẩn có hại càng phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng.

“Thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dẫn đến thực phẩm mất các chất dinh dưỡng, mất an toàn vệ sinh, thậm chí có thể gây ra ngộ độc thực phẩm” - ông Thịnh nói.

Nhiệt độ từ 37-40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường. Khi xâm nhập thực phẩm, vi khuẩn phát triển rất nhanh, nhân lên gấp nhiều lần trong thời gian ngắn, sinh ra chất độc gây ngộ độc.

PGS Thịnh cho hay các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, pate, giò lụa… là môi trường giàu dinh dưỡng, protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố.

Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc.

Thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, pate, giò lụa… là môi trường giàu dinh dưỡng, protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố. Ảnh: Internet

BS CKII Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm là khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm trùng (vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng…) hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh các loại độc tố gây hại cơ thể.

Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt… hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày.

BS Thủy khuyến cáo nếu trẻ chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1-2 lần, không có dấu hiệu khác, bé vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể tự theo dõi, chia nhỏ bữa ăn, uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn.

Nếu trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu, hoặc có các dấu hiệu khác như sốt cao khó hạ, co giật, li bì, mệt thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.

Biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

- Ăn đồ chín, còn hạn sử dụng: Ăn chín, uống sôi; hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng.

- Tách biệt đồ sống và chín: Cần có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống; nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.

- Đậy thức ăn: Khi không để tủ lạnh cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi.

- Đun lại: Thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn.

- Bảo quản lạnh: Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường.

- Rửa tay: Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Vệ sinh bếp: Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới