NATO họp thượng đỉnh tại Mỹ, tập trung 3 chủ đề nóng

(PLO)- Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra tại Mỹ, tập trung vào ba chủ đề chính, gồm khả năng răn đe và phòng thủ, sự hỗ trợ cho Ukraine và quan hệ giữa NATO với các đối tác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) khai mạc ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) hôm 9-7(giờ địa phương) và kéo dài tới ngày 11-7. Thượng đỉnh NATO lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi NATO tròn 75 tuổi, vừa chào đón thành viên thứ 32 và tình hình thế giới có nhiều biến động.

Ba điểm chính trong chương trình nghị sự

Trên trang web của mình, NATO cho biết tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo NATO sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà liên minh đang đối mặt và nhằm đảm bảo rằng NATO vẫn sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức có thể xảy ra.

Theo đó, ba chủ đề chính trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh NATO lần này là khả năng răn đe và phòng thủ của NATO, hỗ trợ cho Ukraine và quan hệ giữa NATO và các đối tác.

Công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh NATO
Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO được tiến hành tại Trung tâm Hội nghị Walter E. Washington ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: NATO PRESS/X

Về khả năng răn đe và phòng thủ, NATO cho rằng sau một loạt sự kiện gần đây khối đã triển khai khả năng phòng thủ tập thể lớn chưa từng có nhằm bảo vệ tất cả đồng minh, từ trên bộ, trên biển, trên không, trên không gian mạng và trong vũ trụ.

Theo hãng tin Reuters, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva năm 2023, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ lớn đầu tiên của liên minh do Mỹ dẫn đầu trong hơn ba thập niên qua. Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo NATO được cho là sẽ tiếp tục cập nhật kế hoạch này.

Reuters dẫn lời một quan chức NATO cho biết các nhà hoạch định quân sự của liên minh đã xác định "các yêu cầu chi tiết về quân đội và vũ khí cần thiết để bảo vệ liên minh".

“Phòng không và phòng thủ tên lửa, vũ khí tầm xa, hậu cần cũng như đội hình cơ động trên bộ quy mô lớn là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. NATO có thể sẽ đặt ra các mục tiêu năng lực đòi hỏi khắt khe hơn cho các đồng minh. Chúng tôi tin tưởng rằng khả năng răn đe của chúng tôi đang và sẽ vẫn mạnh mẽ" – vị quan chức này cho biết.

Về hỗ trợ Ukraine, phía NATO cho rằng các thành viên tổ chức này đã cung cấp sự hỗ trợ ở mức độ chưa từng có cho Kiev. Theo hãng tin AP, tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, các nhà lãnh đạo khối sẽ thông qua kế hoạch mới nhằm phối hợp cung cấp thiết bị cho Ukraine và huấn luyện cho lực lượng nước này.

NATO cũng cho biết tất cả thành viên liên minh đều đồng ý về việc kết nạp Ukraine làm thành viên và cánh cửa NATO luôn rộng mở cho Ukraine. Dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO khi vẫn đang trong xung đột là điều khó có thể xảy ra.

Về việc hợp tác với các đồng minh, trong hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo NATO được cho sẽ tiếp tục thảo luận về quá trình hợp tác với các đối tác chủ chốt, bao gồm các nước châu Âu, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc hỗ trợ cho Ukraine sẽ là “nhiệm vụ cấp bách nhất” trong hội nghị thượng đỉnh NATO lần này. Ông Stoltenberg cũng tiết lộ trong hội nghị lần này các nước NATO sẽ đồng ý một cam kết tài chính cho Ukraine, cũng như mong các nước hỗ trợ quân sự nhanh hơn cho Ukraine và có nhiều hiệp định an ninh song phương hơn.

Bóng mây chính trị sẽ che mờ hội nghị thượng đỉnh NATO?

Chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay được vạch ra rõ ràng. Dù vậy, theo tờ The Washington Post, vấn đề chính trị của các nước thành viên NATO có thể “chiếm sóng” hội nghị thượng đỉnh lần này, khi ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nền chính trị theo chủ nghĩa biệt lập, cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo đó, các vấn đề chính trị nói trên bao gồm quá trình tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nước Pháp hậu bầu cử quốc hội và chính phủ mới ở Anh.

imrs (1).jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Ông Camille Grand – cựu trợ lý tổng thư ký NATO – cho rằng những mối quan tâm này tác động tới “mọi nhà lãnh đạo châu Âu” trước hội nghị thượng đỉnh NATO.

“Họ không muốn biến nó thành một phần của cuộc thảo luận, vì phép lịch sự đối với ông Biden, nhưng đó là điều mà mọi người đều nghĩ đến” – ông Grand nói.

Theo The Washington Post, gần đây đặc biệt sau phiên tranh luận giữa ông Biden với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại châu Âu chứng kiến sự gia tăng băn khoăn liệu ông Biden có đủ khả năng đại diện đảng Dân chủ hay không. Theo tờ Politico, nhiều chính trị gia NATO những ngày qua bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tuổi tác, sức khỏe và khả năng giành chiến thắng của ông Biden trước ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Mặt khác, nhiều người cũng lo ngại rằng tình hình trên có thể tạo ưu thế cho ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng - kịch bản mà nhiều nước NATO quan ngại. Theo hãng tin Reuters, sở dĩ viễn cảnh về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump khiến nhiều thành viên NATO lo ngại là vì khi còn tại nhiệm và sau khi rời nhiệm sở, ông Trump thường xuyên chỉ trích các thành viên trong liên minh quân sự này không hoàn thành mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Ông Trump từng thậm chí dọa sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu ông tái đắc cử.

Nhận thức được điều này, các quan chức Mỹ đang cố gắng xoa dịu mối lo của các quan chức châu Âu. Họ nhấn mạnh rằng NATO đã đủ sức tồn tại qua mọi biến động chính trị trong hơn 7 thập niên qua. Tuy nhiên, những thách thức dường như đang tăng lên gấp bội và ảnh hưởng không nhỏ tâm lý các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này diễn ra trong bối cảnh Pháp vừa trải qua cuộc bầu cử quốc hội. Liên minh cánh tả giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội, kế đến là liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron và đứng thứ ba đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN).

Việc không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối tại quốc hội đã khiến chính trường Pháp rơi tình trạng bất ổn. Sau bầu cử, quốc hội Pháp bị chia làm ba khối với các chương trình nghị sự xung đột lẫn nhau. Điều này khiến quá trình thành lập chính phủ mới ở Pháp trở nên phức tạp hơn.

Trong khi đó, cuộc bầu cử hôm 4-7 ở Anh đã đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực lần đầu tiên sau 14 năm, từ sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ sang Công đảng. Điều này có thể phần nào ảnh hưởng quan điểm của Anh với chính sách chung của NATO.

Trung Quốc lên tiếng trước thềm thượng đỉnh NATO

Ngày 8-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm chỉ trích NATO là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định toàn cầu vì “tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến ​​về ý thức hệ của tổ chức này”, theo trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc (mfa.gov.cn).

Theo ông Lâm, NATO là “sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và là liên minh quân sự lớn nhất thế giới”. Mặc dù tự nhận là một tổ chức phòng thủ khu vực, khối này vẫn tiếp tục “mở rộng quyền lực xuyên biên giới và kích động đối đầu”.

“NATO nên tuân thủ quan điểm tổ chức phòng thủ và khu vực của mình, ngừng tạo ra căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương, ngừng thúc đẩy tư duy Chiến tranh Lạnh và đối đầu phe phái, đồng thời ngừng gây rối loạn châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương” - ông Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm