Hàng loạt nước NATO tuyên bố tới đây sẽ tăng quân và vũ khí đến các nước biên giới với Nga. Đây là kết quả hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Bỉ ngày 26-10.
NATO có kế hoạch lập bốn đơn vị chiến đấu với tổng cộng 4.000 quân vào đầu năm tới ở Đông Âu. Bốn đơn vị chiến đấu này sẽ đóng ở Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia và do bốn nước Mỹ, Đức, Anh, Canada chỉ huy.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết Anh sẽ chuyển 800 quân đến Estonia từ tháng 5-2017. Ngoài ra Anh cũng sẽ triển khai máy bay chiến đấu Typhoon đến Romania tuần tra biển Đen với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Dù sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng chúng tôi sẽ tăng nỗ lực để giúp bảo đảm an ninh mạn sườn đông và đông nam NATO” - Reuters dẫn lời Bộ trưởng Fallon.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố Mỹ sẽ chuyển 900 quân cộng xe tăng và pháo đến đông Ba Lan vào tháng 6-2017.
Một số nước NATO khác cũng cam kết đóng góp quân. Đức nói sẽ gửi 400-600 quân đến Lithuania, Canada nói sẽ chuyển 450 quân đến Latvia, Ý cũng sẽ gửi 140 quân. Ngoài ra các nước Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Croatia, Luxembourg cũng sẽ đóng góp quân.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Bỉ ngày 26-10. Ảnh: REUTERS
Đây sẽ là đợt triển khai sức mạnh quân sự lớn nhất đến biên giới với Nga của NATO kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, việc NATO triển khai thêm quân và vũ khí được xem là một biện pháp đối phó với việc Nga triển khai 330.000 quân ở sườn biên giới phía nam của Nga.
Ngoài ra theo ông, “Chỉ trong tháng này Nga đã có hai động thái nghiêm trọng, triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander đến TP Kaliningrad, nằm trên eo biển Baltic và giáp Ba Lan; và ngưng hiệp ước tiêu hủy plutonium cấp sản xuất vũ khí với Mỹ".
Các tên lửa đạn đạo này có khả năng tấn công các mục tiêu ở Ba Lan và trên biển Baltic. Không rõ Nga đã di chuyển đầu đạn hạt nhân đến Kaliningrad chưa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (trái) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Bỉ ngày 26-10. Ảnh: REUTERS
Reuters dẫn nhận định của một số nhà ngoại giao giấu tên rằng động thái hợp tác triển khai quân đối phó Nga của NATO gián tiếp gửi thông điệp đến ứng viên tổng thống Cộng hòa Mỹ Donald Trump rằng NATO vẫn duy trì sự thống nhất. Trước đó ông Trump chỉ trích các thành viên NATO quá ỷ lại vào Mỹ, không chịu chia sẻ chi phí liên minh với Mỹ, nói sẽ cân nhắc quan hệ đồng minh với NATO nếu lên làm tổng thống.
Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra cùng ngày với sự việc hai tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường của Nga vào biển Baltic khu vực giữa Thụy Điển và Đan Mạch.
Trong ngày 26-10, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha nói Nga đã rút yêu cầu nhờ Tây Ban Nha tiếp liệu cho ba tàu chiến của Nga ở cảng biển TP Ceuta (lãnh địa của Tây Ban Nha nhưng nằm trong Maroc ở Bắc Phi).
Trước đó các thành viên NATO chỉ trích việc Tây Ban Nha đồng ý tiếp liệu cho tàu chiến Nga, rằng các tàu chiến này có thể được Nga sử dụng trong cuộc chiến Syria. Ba tàu chiến này dự kiến sẽ tham gia nhóm 10 tàu chiến Nga hiện đã được triển khai ở bờ biển Syria.