Nhiều giải pháp giúp hàng xuất khẩu tránh bị kiện và tìm chứng cứ khởi kiện bảo vệ ngành sản xuất trong nước đã được chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại và cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO”. Hội thảo do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức tại TP.HCM vào ngày 13-11.
Để tránh bị kiện
Hiện nay không chỉ các mặt hàng xuất khẩu thủy sản như con tôm, cá tra, ba sa mà ngày càng có nhiều sản phẩm nước ta bị nước nhập khẩu lớn kiện chống bán phá giá và áp mức thuế cao. Nguy hiểm là đã tạo ra những hiệu ứng dây chuyền kiện chùm, một quốc gia kiện, các quốc gia khác kiện theo.
Bà Nguyễn Chi Mai, Trưởng ban Phòng vệ thương mại Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết số lượng và giá trị xuất khẩu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam (VN) ngày càng gia tăng thì việc bị khởi kiện bán phá giá cũng tăng theo. Vấn đề đặt ra là làm sao doanh nghiệp (DN) nước ta tránh được các vụ kiện hoặc chỉ bị đánh thuế ở mức thấp. Chẳng hạn, vụ tôm xuất khẩu bị Mỹ kiện, VN bị áp mức thuế cao, năm nào cũng bị điều tra chống bán phá giá. Thế nhưng Thái Lan lại chỉ chịu mức thuế thấp, thậm chí thoát khỏi điều tra, nhiều DN hưởng thuế suất 0%.
Kiện ra WTO để chứng minh tôm xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Tiền Giang. Ảnh: QUANG HUY
“Kinh nghiệm vụ kiện từ Thái Lan rất đơn giản. Họ tuân thủ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phía nước khởi kiện đưa ra trong quá trình điều tra. Sổ sách tài chính, kế toán, chứng từ mua hàng, bán hàng, hóa đơn, các định mức sản xuất, thư từ giao dịch… phải được quản lý rõ ràng và cung cấp đầy đủ, chính xác cho cơ quan điều tra. Tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, thậm chí yêu cầu được tham gia, hợp tác với cơ quan điều tra. Nhiều nước xuất khẩu bị kiện chỉ vì “thái độ” mà bị đánh thuế cao” - bà Mai nói.
Giám đốc một công ty luật - đơn vị đại diện cho nhiều DN VN trong các vụ kiện thương mại cho hay điều chỉnh xuất khẩu đúng thời điểm cũng là cách khôn ngoan để tránh các vụ kiện. Mỹ, Ấn Độ vừa nằm trong những nước đi kiện nhiều nhất thế giới nhưng cũng là những nước bị kiện nhiều nhất. DN hai nước này thực sự có kinh nghiệm trong việc đối phó với nguy cơ bị kiện. Vị giám đốc tiết lộ: “Họ nắm bắt tình tình thị trường vào thời điểm nào trong năm có nhiều nước đồng loạt xuất khẩu nhiều sản phẩm vào Brazil thì một số DN những nước này sẽ giảm lượng xuất khẩu, thậm chí họ giữ giá đứng ngoài cuộc cạnh tranh. Ngành sản xuất nội địa của Brazil thường sẽ chọn những thời điểm hàng nhập khẩu vào nhiều nhất để khởi kiện nhằm chứng minh việc bị cạnh tranh gây thiệt hại”. Cũng theo vị giám đốc này, khi đó những DN Mỹ, Ấn xuất khẩu ít, giá không giảm sẽ nghiễm nhiên nằm ngoài danh sách bị điều tra chống bán phá giá. Ngoài ra, thay đổi đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu sẽ tránh được nguy cơ bị kiện.
Dễ dàng kiện hàng nhập khẩu gây thiệt hại
Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, phòng Điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại trong nước Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết đa số các DN sản xuất nước ta chưa có nhận thức về các giải pháp phòng vệ thương mại (kỹ thuật bảo hộ ngành sản xuất trong nước). Họ cho rằng mình khởi kiện thì hồ sơ phức tạp, tốn chi phí, không biết lấy chứng cứ thông tin ở đâu.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, thực tế rất đơn giản để một DN tập hợp thông tin khởi kiện hàng nhập khẩu giá rẻ gây ảnh hưởng. Kinh nghiệm từ vụ áp thuế chống bán phá giá đầu tiên của VN, áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan. Phía nguyên đơn là Công ty Posco và Hòa Bình chỉ cần thu thập những thông tin qua các công ty thị trường, báo cáo tài chính hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau đó DN chỉ cần gửi cho Cục Quản lý cạnh tranh, Cục sẽ liên hệ với cơ quan hải quan để có số liệu chính xác.
“Chứng cứ về giá bán nội địa của hàng nhập khẩu, các DN có thể thu thập trên các trang web, khảo sát thị trường. Để có thông tin về giá thành sản xuất của DN xuất khẩu tại Trung Quốc, DN VN có thể thu thập thông qua giá cước vận tải, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, thuế…” - ông Hưng thông tin.
Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết, Văn phòng luật sư IDVN, DN sản xuất trong nước cần lựa chọn đúng thời điểm quan trọng để khởi kiện. Đó là lúc hàng nhập khẩu bán vào VN nhiều nhất, biên độ bán phá giá sẽ cao nhất để có thể áp mức thuế cao.
Đeo bám vụ kiện đến cùng Kháng kiện đến cùng cũng là cách để DN xuất khẩu phản bác lại cáo buộc không hợp lý của nước khởi kiện. Như con tôm, ống thép, túi nhựa Việt bị Mỹ kiện kép cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Mỹ cho rằng Việt Nam là một nước có nền kinh tế phi thị trường, Chính phủ bảo hộ DN sản xuất trong nước. Trong khi VN đã được 46 quốc gia công nhận nền kinh tế thị trường. Mỹ quy chụp rằng các ngân hàng thương mại cổ phần của VN có vốn góp của Nhà nước là các cơ quan công quyền. Vì thế vốn vay của các DN VN là được Chính phủ hỗ trợ. Thế nhưng khi VN phản biện lãi suất cho vay của DN Việt đang chịu cao hơn cả Mỹ và thế giới thì nước này lại trả lời không chấp nhận vì VN vượt ngưỡng thế giới. DN Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi họ bị châu Âu kiện chống trợ cấp. DN Trung Quốc đã phản pháo mạnh mẽ, kiện lên các tòa án công lý châu Âu và họ đã phản bác lại chứng cứ không hợp lý này. Bà NGUYỄN CHI MAI, Cục Quản lý cạnh tranh |