LTS: Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan tố tụng gây ra oan, sai phải công khai xin lỗi và bồi thường cho người bị oan. Điều này vừa thể hiện sự cầu thị, sửa sai của cơ quan tố tụng, vừa xoa dịu phần nào nỗi đau và sự mất mát, thiệt hại của người bị oan. Điều này cũng phù hợp với đạo lý của người Việt Nam.
Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long, người bị oan án tử hình về 2 tội giết người và hiếp dâm trẻ em và đã ngồi tù oan 11 năm ở Bắc Giang. Tại buổi xin lỗi, người nhà nạn nhân đã phản ứng dữ dội, khiến buổi xin lỗi xảy ra trong hỗn loạn, thậm chí Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà nội đã phải đọc lời xin lỗi trong “cơn mưa dép” do người nhà nạn nhân quăng lên…
Có ý kiến cho rằng cơ quan đi xin lỗi nên tổ chức chu đáo hơn, nên có bước gửi thư hay gặp gỡ người nhà nạn nhân để họ cảm thông việc cơ quan tố tụng chưa tìm ra hung thủ thật sự để quy án… Điều này còn góp phần giúp gia đình nạn nhân cảm thông, chia sẻ với người bị oan, giúp người bị oan ổn định tinh thần, ổn định cuộc sống…
Trong nhiều những ý kiến gửi về tòa soạn về vấn đề này, chúng tôi cũng nhận được ý kiến của ông NGÔ CƯỜNG, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao. Tôn trọng quan điểm cá nhân của ông Ngô Cường, chúng tôi xin đăng nguyên văn ý kiến của ông dưới đây và mong nhận được ý kiến bàn luận của bạn đọc và các chuyên gia pháp luật.
Ông NGÔ CƯỜNG, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao. Ảnh: THÁI VŨ
Ông NGÔ CƯỜNG, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao:
Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới đi tổ chức xin lỗi người bị oan như Việt Nam. Ở Na Uy và Nhật Bản chẳng hạn, người bị oan sai sẽ làm đơn yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường (thuộc Bộ Tư pháp) giải quyết. Cơ quan này có nhiều thành phần tham gia, nhưng Bộ Tư pháp làm đầu mối.
Nếu đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan bồi thường thì kiện ra Tòa án theo thủ tục dân sự, không có chuyện các cơ quan Cảnh sát, Công tố, Tòa án phải đi xin lỗi. Việt Nam ta có lẽ cũng nên bỏ thủ tục xin lỗi này và giao việc giải quyết bồi thường cho một đầu mối giống như ở nước ngoài.
Về số tiền bồi thường ở Việt Nam hiện nay, nhiều vụ bồi thường số tiền lớn và quá trình thương lượng khá phức tạp, khó khăn. Trong khi đó ở Nhật Bản thì qui định một số mức, ví dụ bị tuyên án tử hình oan thì mức bồi thường là 30 triệu yên. Nhờ đó mà việc giải quyết bồi thường không quá phức tạp.
Tôi biết rằng, Na Uy, Nhật Bản là những nước thực hiện việc bồi thường của Nhà nước từ rất lâu rồi nên có thể nói họ rất có kinh nghiệm về lĩnh vực này để Việt Nam tham khảo.