Ngày 18-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp liên ngành phối hợp công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng. Tại cuộc họp, vụ ông Phan Văn Lá (ngụ huyện Châu Thành, Long An, bị kết án oan từ năm 1991 đến nay chưa được bồi thường) đã được nhắc tới như dẫn chứng tiêu biểu cho sự lúng túng của các cơ quan tố tụng khi xác định cơ quan phải bồi thường.
Đùn đẩy trách nhiệm
Đây cũng là vụ việc mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Theo hồ sơ, tháng 7-1991, ông Lá bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành khởi tố, bắt tạm giam về tội hủy hoại tài sản XHCN. Tháng 12-1991, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm đã phạt ông bốn năm tù. Ông Lá kháng cáo kêu oan. Tháng 9-1992, TAND tỉnh Long An đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Ngày 13-10-1992, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định tạm giam ông Lá hai tháng (quyết định này được VKS phê chuẩn). Nhưng chỉ sau đó một ngày, CQĐT lại có văn bản đề nghị VKS hủy bỏ việc tạm giam và được VKS đồng ý. Ông Lá được tại ngoại. Kể từ đó không ai gọi ông lên làm việc nữa.
Ông Phan Văn Lá bên chồng hồ sơ đòi bồi thường oan suốt 21 năm qua. Ảnh: H.NAM
Ông Lá kêu oan khắp nơi. 21 năm sau (tháng 9-2013), CQĐT mới có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông. Ông Lá hai lần khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành yêu cầu tòa này phải bồi thường oan gần 500 triệu đồng và công khai xin lỗi. Nhưng cả hai lần tòa đều từ chối nhận đơn, cho rằng lỗi thuộc CQĐT vì không điều tra lại, để hết thời hạn điều tra.
Đến nay Bộ Công an, VKSND Tối cao, Cục Bồi thường Nhà nước và hai ngành công an, kiểm sát ở Long An đều cho rằng trách nhiệm bồi thường oan thuộc TAND huyện Châu Thành. Trong khi đó, TAND Tối cao và ngành tòa án Long An lại nói trách nhiệm thuộc Công an huyện Châu Thành…
Phải có trách nhiệm với dân
Trước những vụ việc tương tự như ông Lá, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cảm thấy đau lòng bởi “người dân đã có kết luận bị oan rõ ràng rồi mà các cơ quan liên quan cứ đùn đẩy cho nhau”.
Theo ông Ngọc, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định quá nhiều cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường oan nên “nhiều khi chính chúng ta làm khổ chúng ta”. “Việc bồi thường oan đúng là việc mà không cơ quan nào muốn nhận về mình cả vì liên quan đến uy tín, kinh phí… Nhưng cần phải xác định đây là quan hệ giữa người dân với Nhà nước. Do vậy cần có một “ông” đầu mối đại diện Nhà nước đứng ra giải quyết chứ không thể cứ để kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Còn chuyện sau đó là chuyện nội bộ của các cơ quan nhà nước với nhau, cần những quy định khác” - ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, trong quý I-2015, nếu các bộ, ngành liên quan đồng ý, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức hội nghị, chọn những vụ việc đang vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm bồi thường để cùng bàn thảo, đưa ra hướng giải quyết. “Nếu chúng ta vẫn không thống nhất được, cứ đùn đẩy thì đến bao giờ người dân mới được bồi thường? Chúng ta phải có trách nhiệm với người dân” - ông Ngọc nhấn mạnh.
Nhiều bất cập khác Tại buổi làm việc với đoàn giám sát án oan sai của Quốc hội ngày 18-12, VKSND TP.HCM đã chỉ ra một số vấn đề chưa rõ, gây khó khăn khi áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Thứ nhất, khái niệm “không thực hiện hành vi phạm tội” (Điều 26) chưa rõ nên các cơ quan tố tụng có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ, trường hợp có hành vi khách quan nhưng không cấu thành tội phạm do không chứng minh được lỗi chủ quan hoặc không đủ năng lực trách nhiệm hình sự… Thứ hai, với người bị oan là cán bộ, công chức, sĩ quan… thì khó xác định thiệt hại về vật chất và tinh thần vì gắn liền với chức trách của họ là nhiều quyền lợi hợp pháp mà lẽ ra họ đã được hưởng nếu không bị oan như lên chức, tăng lương, thưởng… Thứ ba, với người bị oan là chủ doanh nghiệp, trường hợp không thực hiện được hợp đồng, mất hợp đồng kinh tế… thì phải tính toán bồi thường như thế nào? Ngoài tài sản hữu hình, doanh nghiệp còn có tài sản vô hình (thương hiệu...). Tài sản vô hình cũng có giá trị nhất định nhưng luật chưa đề cập đến việc bồi thường thiệt hại đối với loại tài sản này. Thứ tư, việc xin lỗi, cải chính công khai, tính toán bồi thường đối với người bị oan là người nước ngoài thực hiện ra sao? Thứ năm, hiện các thành viên ban chỉ đạo cũng như tổ giúp việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chủ yếu là kiêm nhiệm. Đây là một hạn chế ảnh hưởng đến việc thi hành pháp luật trong thực tiễn. Cũng theo VKSND TP.HCM, luật cần quy định cụ thể dạng liệt kê các trường hợp được coi là oan phải bồi thường; trường hợp CQĐT, VKS đình chỉ điều tra thì đình chỉ theo điều, khoản nào của BLTTHS, BLHS sẽ được bồi thường... PHƯƠNG LOAN |