Liên quan đến việc tranh chấp bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã đặt ra thời hạn trước ngày 10-10, ông Ngô Xuân Phúc phải có lời xin lỗi công khai nếu không bà Mai sẽ khởi kiện. Tuy nhiên đến chiều 5-10, ông Phúc vẫn chưa đưa ra được thêm bằng chứng nào thuyết phục cho thấy bài thơ đó là của mình và cũng chưa có động thái xin lỗi bà Mai.
Trước đó, vào ngày 28-9, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Ngô Xuân Phúc (sinh năm 1980, sống ở Vinh, Nghệ An) cho biết: “Tôi chính là tác giả của bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”. Tuy nhiên, ông Phúc không đưa ra được bất cứ một bằng chứng nào để khẳng định bản quyền của mình đối với tác phẩm trên. Lý giải về việc này, ông Phúc cho hay: “Tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Vinh nên sách vở, giấy tờ thất lạc nhiều. bài này có cả bản viết tay nhưng không biết đã mất ở đâu, còn các bản lưu máy vi tính thì máy hỏng nên mất hết”.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (trên) trong buổi ra mắt tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình” và bản viết tay bài thơ được dùng để in trong tập thơ này. Ảnh: VIẾT THỊNH
Trước những lập luận của ông Phúc, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã ngay lập tức có phản hồi vì cảm thấy bị xúc phạm. Trong bức thư ngỏ gửi các phương tiện truyền thông, nhà thơ gọi thư ngỏ của tác giả Ngô Xuân Phúc là “những lời buộc tội và vu khống vô căn cứ”. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cũng đưa ra bằng chứng thể hiện từ Frankfurt, Đức, bà Mai đã gửi bài thơ cho nhà báo Cao Hải Giang vào lúc 23 giờ 21 ngày 20-6-2011. Trao đổi với chúng tôi, nhà báo Cao Hải Giang cũng xác nhận việc này. Sau đó giữa tác giả và nhà báo Cao Hải Giang còn có những trao đổi để thống nhất lựa chọn bản thảo cuối cùng để đăng tải trên báo Hà Nội mới.
Bình luận về vụ việc này, chuyên gia sở hữu trí tuệ Đoàn Hồng Sơn (Công ty TNHH Luật IP MaX) cho rằng tại khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Do đó, để được bảo hộ quyền tác giả cho bài thơ là bài thơ đó phải được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác. Ông Phúc chỉ đọc ra hoặc ai chứng kiến không đáp ứng được yêu cầu này. Trong khi đó bà Mai không những đã thể hiện trên văn bản mà còn gửi cho một cơ quan báo chí để đăng tải lại là một bằng chứng rất tốt.
Trước những lùm xùm này, ông Hoàng Trọng Quang (Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam) cho rằng tác giả nên ủy quyền cho các trung tâm, hiệp hội về bảo vệ bản quyền để khi có tranh chấp, những đơn vị như hiệp hội của chúng tôi sẽ thay mặt tác giả làm việc với các bên liên quan để bảo hộ tác phẩm của tác giả đó.
Bà Mai nên đăng ký bản quyền đối với tác phẩm của mình để được pháp luật thừa nhận tạm thời là chủ sở hữu tác phẩm. Lúc đó, khi kiện ra tòa bà Mai không phải chứng minh mình là chủ sở hữu mà ông Phúc buộc phải chứng minh. Nếu ông Phúc không có bằng chứng nào để tòa công nhận thì phải bồi thường thiệt hại về tinh thần hoặc vật chất (nếu có) cho tác giả. Luật sư PHẠM VŨ KHÁNH TOÀN, |