Nền giáo dục thực chất mới tạo ra xã hội phát triển thực chất

(PLO)- Muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần có một nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững trong tất cả hoạt động, hệ đào tạo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM luôn nhận thức và hành động nhất quán với chủ trương xem giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu; luôn xem giáo dục là hoạt động quan trọng trong mối liên hệ căn cốt với tất cả lĩnh vực của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng TP.

Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần có một nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững trong tất cả hoạt động, hệ đào tạo.

Phải quan tâm hơn nữa đến cấp giáo dục mầm non. Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi quan trọng để tìm cách giải quyết, như vì sao nhiều nhà trẻ đóng cửa, nhiều nhà giáo không có việc làm phải tự bươn chải, nhiều người không thể bám nghề; vì sao việc trợ cấp cho nhà giáo và nhân viên giáo dục mầm non chưa thật sự tốt… Ngành giáo dục cần tham mưu cho TP giải pháp cụ thể để cha mẹ gửi con học bán trú có thể yên tâm làm việc. Đồng thời, phải tìm cách huy động các nguồn lực tư nhân, các tổ chức, cá nhân có điều kiện xây dựng trường mẫu giáo đúng quy định.

Về cấp giáo dục phổ thông, các cấp cần quan tâm, phối hợp với ngành giáo dục để nắm chắc nhu cầu học tập, khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp.

Cần xác tín thông tin số học sinh (HS) tăng khiến trường lớp quá tải. Nếu có thật thì tình trạng này xảy ra ở đâu, cụ thể như thế nào, có hướng giải quyết chưa? Đây không chỉ là trách nhiệm của hệ thống giáo dục mà còn của hệ thống chính trị.

Ngoài ra, cần chú ý tính hai mặt của việc triển khai nhiều chương trình sách giáo khoa, bởi nếu không khéo sẽ gây thêm phiền toái, rắc rối cho HS và phụ huynh.

Việc lựa chọn sách, môn học là thẩm quyền của sở và hội đồng chuyên môn. Nhưng để đảm bảo công bằng, khách quan, phải tạo điều kiện nghiên cứu sát với tình hình để giáo viên, HS có điều kiện tham khảo nhiều sách khác nhau. Cần tránh tình trạng độc quyền.

Công tác giáo dục phải làm sao để con người hiểu được giá trị của việc học, vì sao phải học, học để làm gì, học như thế nào chứ không nói chung chung. Nếu phát động chung chung, đưa ra chương trình hành động chung chung, thi đua chung chung thì sẽ có kết quả chung chung. Cần học để trở thành người có giá trị cho cuộc đời. Phải định hướng, tạo điều kiện cho HS học tập chứ không phải miễn cưỡng, gượng ép. Cần tạo ra một xã hội học tập, khuyến khích các cá nhân tự học để trở thành người có giá trị.

Với áp lực tăng dân số cơ học, mỗi năm TP phát sinh 20.000 HS. Trước tình hình này, đề nghị UBND TP có chỉ đạo để làm sao xây dựng hệ thống trường lớp đáp ứng được nhu cầu học tập. Nếu có vướng mắc nằm ở vấn đề đất đai thì các cấp chính quyền phải tìm cách tháo gỡ.

Cần chăm lo cho đội ngũ giáo viên, đảm bảo sự văn minh trong môi trường học tập. Phải bằng mọi cách đảm bảo đời sống cho giáo viên bởi họ đã cống hiến hết mình. Nếu để giáo viên phải bươn chải mưu sinh thì không thể yên tâm giảng dạy.

Phải chịu khó lắng nghe sẽ thấy các HS nghĩ gì. Phải nghĩ tới con đường đổi mới, bắt đầu từ cái gì, theo hướng nào để thực hiện tính trung thực. Cần nói thật, làm thật, chấm điểm thật, loại bỏ được những giả dối, chọn cái trung thực.

(Được sự cho phép của đồng chí Bí thư Thành ủy, tòa soạn trích đăng bài phát biểu của đồng chí tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra tại TP.HCM vào ngày 25-8)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm