Ngày 18-11, mang đến hội thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP” (do Bộ KH&ĐT tổ chức) một bức tranh không mấy sáng sủa, PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt câu hỏi: “Công nghiệp Việt Nam đang ở đâu?” và chỉ ra nền công nghiệp Việt Nam hiện vẫn ở đẳng cấp thấp.
“Sự lệ thuộc nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc đang là một thách thức đối với Việt Nam trong phát triển công nghiệp” - ông Thiên nhấn mạnh.
Manh mún, chụp giật
Dưới góc nhìn của ông Thiên, nền công nghiệp Việt Nam hiện nay dựa trên một cấu trúc doanh nghiệp nội địa nhỏ bé, manh mún, thiếu liên kết, thiếu tầm chiến lược, hay nói đúng hơn là làm ăn chụp giật.
Ông Thiên nhìn nhận: “Điều này xảy ra là do nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang khuyến khích nhập khẩu để gia công lắp ráp và mang tính đầu cơ”.
Xét cho đến cùng, theo ông Thiên, kinh tế Viêt Nam vẫn mang đậm chất tiểu nông, nhỏ lẻ, “đóng kín”, thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu. Tình trạng lạc hậu và tụt hậu về thiết bị, công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến công nghiệp Việt Nam ở đẳng cấp thấp.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng nhìn nhận rằng mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn nhiều khó khăn, trở ngại.
“Công nghiệp của Việt Nam vẫn còn mang nặng tính gia công, lắp ráp, khai thác tài nguyên, tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển” - Thứ trưởng Đông nêu thực trạng.
Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. Ảnh: Chí Trung
Hiện đại kết hợp truyền thống
Nói về định hướng phát triển công nghiệp, PGS Trần Đình Thiên cho rằng chuyển công nghiệp lên đẳng cấp cao là điều bắt buộc và phải cụ thể hóa trong từng ngành. Chẳng hạn phải tập trung vào công nghệ thông tin, công nghệ cao về năng lượng.
“Việt Nam có thể chế tạo pin điện thoại di động” - PGS Thiên gợi ý.
Ở một góc độ khác, TS Vũ Thị Nhài, Học viện Chính sách và Phát triển, nhấn mạnh cần tập trung phát triển các ngành công nghệ sạch, các sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, các ngành có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu. Ví dụ như các sản phẩm công nghệ điện tử (máy tính, máy văn phòng, điện tử công nghiệp, điện tử, y tế).
TS Vũ Thị Nhài cũng khuyến cáo khi hình thành các cụm công nghiệp hiện đại thì Hà Nội cũng như Việt Nam mới có thể thu hút đầu tư để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Lấy ví dụ về việc phát triển các cụm công nghiệp tại thủ đô Hà Nội, TS Nhài cho hay tại các cụm công nghiệp, bên cạnh những tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Panasonic, Samsung, LG,… thì có rất nhiều cụm công nghiệp phát triển những làng nghề truyền thống nổi tiếng Việt Nam. Ví dụ gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tương bần Yên Nhân,…
“Điều này có thể tạo ra Hà Nội vừa mạnh mẽ về công nghiệp hiện đại, vừa lưu giữ được những nét đẹp truyền thống ngàn năm văn hiến” - bà Nhài bình luận.
Lạc hậu và tụt hậu Theo thông tin tại hội thảo, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt hậu hai hoặc ba thế hệ so với trung bình thế giới. Trong đó có 80%-90% công nghệ đang sử dụng là ngoại nhập; 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ năm 1950, 1960; 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là công nghệ tân trang. Trong khi đó Thái Lan có tỉ lệ sử dụng công nghệ cao là 31%, Malaysia 51% và Singapore 73%. |