Nên tính định mức nước theo đầu người

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang dự kiến tính định mức nước theo hộ (16 m³/hộ/tháng) thay vì tính theo nhân khẩu như quy định hiện hành (4 m³/người/tháng). Lý do: nhiều nước bạn đang thực hiện cách tính tiền nước theo hộ và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đồng ý như thế.

Vấn đề đặt ra là cách tính này có phù hợp với thực tế của Việt Nam hay không. Theo tôi là không. Đơn giản là không hộ nào giống hộ nào, có hộ chỉ ba, bốn người nhưng có hộ có đến sáu, bảy người. Khi giá nước sẽ tăng hơn 77%, những hộ đông người làm sao gánh nổi? Khả năng số đông sẽ thực hiện việc tách hộ để giảm tiền nước hoàn toàn có thể xảy ra như đã từng xảy ra khi TP.HCM áp dụng cách tính định mức sử dụng điện theo hộ.

Nên tính định mức nước theo đầu người ảnh 1

Có nhiều ý kiến cho rằng tính định mức nước theo nhân khẩu sẽ công bằng hơn theo hộ khẩu Ảnh: HTD

Lấy gia đình tôi làm ví dụ. Trước đây hộ khẩu nhà tôi có hai chị em, sau khi tôi lấy chồng thì hộ khẩu có thêm một người lớn và hai cháu nhỏ (là chồng, con của tôi). Khi chúng tôi tách thành hai hộ thì tiền điện rẻ hơn mấy trăm ngàn đồng. Như vậy, những hộ chưa kịp tách hoặc có phát sinh thêm nhân khẩu vẫn có thể áp dụng cách làm này để đỡ phải trả nhiều tiền nước.

Được biết, chính vì thấy những bất hợp lý trong cách tính định mức điện theo hộ mà Công ty Điện lực TP.HCM đã kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán lại định mức điện sinh hoạt theo nhân khẩu thay vì theo hộ như hiện nay. Sao “ông” nước không rút kinh nghiệm mà lại còn muốn tính định mức theo hộ?

THU NGA (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Có nhiều bất hợp lý trong việc sử dụng điện, nước mà lâu nay dân tình cứ kêu hoài. Thứ nhất, đối với các mặt hàng thông thường, khách hàng được khuyến khích mua càng nhiều càng tốt nhưng đối với mặt hàng điện, nước lại không được vậy. Thứ hai, việc tính toán định mức chưa công bằng giữa hộ có nhiều người với hộ có ít người. Như vậy, khi khách hàng đối phó bằng việc tách hộ, cả hai ngành điện, nước đều mất khoản thu nhưng lại tăng thêm gánh nặng trong việc kiểm tra, xác minh và quản lý. Ngành công an cũng bị tăng áp lực trong quản lý hộ khẩu. Chẳng lẽ chúng ta tiếp tục đi từ bất hợp lý này đến bất hợp lý khác?

tranminhha371@...

Có người đề nghị để tạo sự công bằng giữa hộ ít nhân khẩu với hộ nhiều nhân khẩu, ngành nước vẫn có thể áp dụng cách tính định mức nước theo hộ, sau đó căn cứ vào số lượng nhân khẩu trong hộ để tăng thêm định mức cho hợp lý. Nhưng theo tôi, cách tính này rất mất công, phức tạp. Nếu đã thấy không hợp lý thông qua thực tiễn áp dụng của ngành điện, ngành nước nên thu tiền nước theo nhân khẩu thay vì theo hộ như đang dự tính.

VĂN PHƯỚC (Quận 3, TP.HCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Độc giả NGUYEN DUC (quận Thủ Đức, TP.HCM):

Tính định mức theo đầu người có thật là hợp lý và công bằng không? Nếu vậy chắc phải thống kê lại đầu người cho từng hộ gia đình để mỗi hộ đều có số người lớn, trẻ em...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm