Cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội làm 'tòa án dư luận'

(PLO)- Nhiều bạn đọc đồng tình với HĐXX phiên tòa giải quyết tranh chấp di sản của cố NSƯT Vũ Linh khi tòa mong rằng các đương sự chấm dứt toàn bộ việc đưa thông tin cho người khác nói qua nói lại trên mạng xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế; yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ giữa em gái ruột và con gái nuôi của ông Võ Văn Ngoan (cố NSƯT Vũ Linh), Thẩm phán Châu Thị Điệp - chủ tọa phiên tòa mong rằng các đương sự chấm dứt toàn bộ việc đưa tin cho người khác nói qua nói lại trên mạng xã hội.

tranh-chap-di-san-thua-ke-cua-co-nsut-vu-linh-4-3135-8214.jpg
HĐXX vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Thông tin trên đã nhận về nhiều sự ủng hộ của bạn đọc. Đa số cho rằng tranh chấp tài sản trong gia đình, đặc biệt là liên quan đến người nổi tiếng như cố NSƯT Vũ Linh, nên được giải quyết trong không khí hòa giải và tôn trọng lẫn nhau. Việc đưa vụ việc ra tòa và công khai trên mạng xã hội không chỉ làm tổn thương các mối quan hệ gia đình mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng của người đã khuất.

Đừng để bị lợi dụng chuyện gia đình để câu view

Tôi kính trọng thẩm phán Châu Thị Điệp vì phân tích thấu tình đạt lý. Bản án của thẩm phán Điệp hài hòa giữa luật pháp và đạo lý làm người, lấy trí nhân thay thù hận.

15% giá trị di sản của cố nghệ sĩ được chia cho em gái của ông vì đã có công phụng dưỡng mẹ già; chăm sóc con nuôi cho ông để ông đạt được đỉnh cao sự nghiệp và tiền tài.

Còn yêu cầu của người cô về việc truất quyền thừa kế của cô con nuôi bị tòa bác vì ông Vũ Linh không từ con hay truất quyền thừa kế của con.

Mong các bên có thể dùng tình thân hóa giải những hiểu lầm; đừng để những người xa lạ lợi dụng chuyện của gia đình mình để câu view trên mạng xã hội, như lời thẩm phán Châu Thị Điệp đã nhắn nhủ.

Bạn đọc Tanhuhung9727@gmail.com

"Việc chia sẻ chuyện cá nhân, đặc biệt là những mâu thuẫn gia đình, lên mạng xã hội là không nên. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của các bên liên quan mà còn gây mất trật tự trong không gian mạng, tạo điều kiện cho dư luận tiêu cực bùng phát" - bạn đọc Thanh Mai chia sẻ.

Theo Thanh Mai, mạng xã hội không phải là nơi giải quyết mâu thuẫn, những câu chuyện riêng tư, khi bị công khai, thường bị bóp méo hoặc lợi dụng, gây tổn thương tinh thần và phá hủy các mối quan hệ. Cụ thể, trong trường hợp ồn ào của gia đình cố NSƯT Vũ Linh, việc tranh chấp di sản lẽ ra chỉ nên diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Việc các bên để lộ thông tin, kích động người ngoài can thiệp càng làm xấu hình ảnh của người đã khuất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm gia đình.

Mạng xã hội hiện nay đã trở thành nơi để nhiều người chia sẻ quan điểm, cảm xúc, nhưng việc biến nó thành “tòa án dư luận” để giải quyết chuyện riêng tư là điều không nên", bạn đọc Trần Minh An cho biết.

Theo bạn đọc Trần Minh An, chuyện gia đình là vấn đề nhạy cảm, cần được giải quyết một cách khép kín, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ pháp luật, việc lôi kéo cộng đồng mạng vào chỉ làm mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn, tạo thêm áp lực cho các bên liên quan, và đôi khi còn bị lợi dụng để trục lợi hoặc bôi nhọ danh dự của nhau.

Các bên liên quan cần nhận thức rằng việc công khai tranh chấp cá nhân lên mạng không mang lại giải pháp mà chỉ làm tăng thêm căng thẳng. Thay vào đó, hãy giữ kín thông tin và sử dụng các kênh pháp lý để giải quyết. Nếu muốn, có thể mời người trung gian, như chuyên gia pháp luật hoặc người lớn tuổi trong gia đình, tham gia để giúp các bên tìm tiếng nói chung mà không cần đến sự can thiệp của dư luận” - bạn đọc Phạm Anh góp ý.

“Việc Thẩm phán Châu Thị Điệp kêu gọi các đương sự trong vụ tranh chấp di sản của cố NSƯT Vũ Linh chấm dứt việc đưa tin lên mạng xã hội là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Mạng xã hội không phải là nơi để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân, đặc biệt là những tranh chấp gia đình nhạy cảm. Việc này không chỉ làm tổn hại danh dự các bên liên quan mà còn gây dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh của người đã khuất" - bạn đọc Minh Phương.

Theo bạn đọc Minh Phương, các đương sự cần cam kết không đưa thông tin lên mạng, tránh để sự việc bị công chúng hiểu sai hoặc bị lợi dụng để kích động. Ngoài ra, cộng đồng cần được nâng cao nhận thức về việc không lan truyền hay bình luận về các vấn đề cá nhân để tránh tiếp tay cho việc làm tổn hại danh dự người khác.

Đối với các đương sự, hãy tuân thủ phán quyết của tòa án và ngừng việc đưa thông tin lên mạng xã hội. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng pháp luật và bảo vệ danh dự gia đình. Cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc với hành vi đưa thông tin cá nhân hoặc các nội dung xúc phạm lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cần thiết lập hệ thống kiểm duyệt mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các nội dung gây tranh cãi hoặc kích động dư luận liên quan đến chuyện cá nhân” - bạn đọc Đỗ Hà nêu ý kiến.

Lời tâm huyết của thẩm phán

Dù có như thế nào thì các ông bà cũng từng gọi nhau tiếng cô, tiếng cháu. Ông Ngoan chưa bao giờ nghĩ đến việc khi mình ngã xuống thì gia đình sẽ như thế nào. Các ông bà có bao giờ ngồi lại để suy ngẫm về việc mình làm?

NSUT Vũ-Linh.jpg
Thẩm phán CHÂU THỊ ĐIỆP

Các ông bà lên mạng xã hội, lúc nào cũng "Cả nhà ơi, cả nhà ơi". Nhưng nào biết đâu "cả nhà ơi" là đây nè, là chúng ta nè, cả nhà đã ở cùng nhau từ năm 1987, cùng chia ngọt sẻ bùi, từ thời khó khăn, khi mà ông Ngoan còn chưa kiếm ra nhiều tiền. Họ (các youtuber) chỉ muốn các ông bà nói để lợi dụng sự việc này nhằm mục đích khác.

Ông Ngoan có yêu thương bà Loan, bà Sáu, bà Phượng không? Có chứ! Ông Ngoan sẽ không cho ai xúc phạm những người mình yêu thương. Do vậy, nếu ông bà yêu thương ông Ngoan thì hãy làm theo những gì ông Ngoan muốn.

(Trích phát biểu của thẩm phán CHÂU THỊ ĐIỆP tại phiên tòa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm