Lời gan ruột của chủ tọa phiên tòa giải quyết tranh chấp di sản của cố NSƯT Vũ Linh

(PLO)- Thẩm phán Châu Thị Điệp - chủ tọa phiên tòa giải quyết tranh chấp di sản của cố NSƯT Vũ Linh mong rằng các đương sự chấm dứt toàn bộ việc đưa tin cho người khác nói qua nói lại trên mạng xã hội. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-1, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế; yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ giữa nguyên đơn là bà Võ Thị Hồng Nhung (em ruột của ông Võ Văn Ngoan - cố NSƯT Vũ Linh) và bà Võ Thị Hồng Loan (con gái cố NSƯT Vũ Linh).

HĐXX đã ra phán quyết bà Hồng Loan là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cố NSƯT Vũ Linh, bà Hồng Nhung được nhận 15% giá trị của khối tài sản mà cố NSƯT Vũ Linh để lại...

Trước đó, tại phần hỏi, thẩm phán Châu Thị Điệp - chủ tọa phiên tòa đã có những câu hỏi và phát biểu sâu sắc, thấm đẫm lý tình khiến các đương sự lặng yên, mắt nhòe lệ sau những tranh cãi căng thẳng.

Chính thẩm phán Điệp cũng không nén được xúc động khi nhắc đến cố NSƯT Vũ Linh - người nghệ sĩ cả một đời cống hiến vì nghệ thuật, gìn giữ danh tiếng bản thân và gia đình. Vậy mà khi ông vừa qua đời thì sự việc gia đình ồn ào suốt 2 năm trời đến tận phiên tòa hôm nay.

NSƯT Vũ Linh, thẩm phán Châu Thị Điệp, Lời tâm huyết của chủ tọa phiên tòa tranh chấp thừa kế cố NSUT Vũ Linh
HĐXX vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Thẩm phán Châu Thị Điệp nói: Vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế này kéo theo sự ồn ào trên mạng xã hội suốt thời gian qua. Và thậm chí, trong khi phiên tòa vẫn đang diễn ra thì bên ngoài trụ sở TAND TP.HCM đã có rất đông người dân, Youtuber tụ tập. Lực lượng bảo vệ, công an... phải túc trực trước cổng tòa án để giữ trật tự.

Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án này, chúng tôi đã rất đau lòng. Chúng tôi giải quyết hàng ngàn vụ án về tranh chấp di sản thừa kế; có những vụ việc còn quyết liệt hơn, mà không vụ nào như vụ này cả, ồn ào trên mạng xã hội ròng rã 2 năm trời.

Hai bên liên tục nói qua nói lại, kích bác lẫn nhau, đưa câu chuyện nhà mình lên mạng xã hội. Những người xa lạ trên mạng xã hội không liên quan đến vụ án, cũng không có quyền xúc phạm đến những người yêu thương của ông Võ Văn Ngoan.

NSƯT Vũ Linh, thẩm phán Châu Thị Điệp, Lời tâm huyết của chủ tọa phiên tòa tranh chấp thừa kế cố NSUT Vũ Linh
Thẩm phán Châu Thị Điệp - chủ tọa phiên tòa tranh chấp di sản của cố NSƯT Vũ Linh

Xã hội bây giờ có cái nghề lên mạng nói xấu và xúc phạm danh dự người khác, kiếm tiền từ những lượt xem, lượt thích. Các đương sự ở đây là nạn nhân, bị họ lợi dụng để kiếm tiền.

Thương ông Ngoan, một người nghệ sĩ suốt đời cống hiến vì nghệ thuật. Cả một quá trình rèn luyện từ năm 16 tuổi mới có được sự cống hiến, sự yêu thương của mọi người. Còn bây giờ, có người muốn được yêu thương bằng cách đưa câu chuyện nhà mình lên mạng xã hội để làm quà cho họ, để bán hàng....

Gia đình vốn từng không có mâu thuẫn gì, rất yêu thương nhau. Từ năm 1990, bà nội mất, người phụ nữ duy nhất trong gia đình là cô Sáu. Có những tin nhắn cô Sáu hỏi "Con muốn ăn gì không, để cô Sáu nấu". Tất cả những điều đó, sao đã quên hết rồi.

Dù có như thế nào thì các ông bà cũng từng gọi nhau tiếng cô, tiếng cháu. Ông Ngoan chưa bao giờ nghĩ đến việc khi mình ngã xuống thì gia đình sẽ như thế nào. Các ông bà có bao giờ ngồi lại để suy ngẫm về việc mình làm?

Các ông bà lên mạng xã hội, lúc nào cũng "Cả nhà ơi, cả nhà ơi". Nhưng nào biết đâu "cả nhà ơi" là đây nè, là chúng ta nè, cả nhà đã ở cùng nhau từ năm 1987, cùng chia ngọt sẻ bùi, từ thời khó khăn, khi mà ông Ngoan còn chưa kiếm ra tiền. Họ (các youtuber) chỉ muốn các ông bà nói để lợi dụng sự việc này nhằm mục đích khác.

Ông Ngoan có yêu thương bà Loan, bà Sáu, bà Phượng không? Có chứ! Ông Ngoan sẽ không cho ai xúc phạm những người mình yêu thương. Do vậy, nếu ông bà yêu thương ông Ngoan thì hãy làm theo những gì ông Ngoan muốn.

"Phiên tòa hôm nay, căn cứ các chứng cứ pháp lý, HĐXX ra phán quyết theo quy định pháp luật, cân nhắc có tình có lý. Các ông bà không đồng ý thì có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng các ông bà chấm dứt toàn bộ việc đưa tin cho người khác nói qua nói lại trên mạng xã hội. Trách nhiệm của con cháu trong gia đình là bảo vệ danh dự của gia đình mình, đây cũng là một trong những điều Luật Hôn nhân Gia đình quy định" - thẩm phán Điệp kết thúc.

Sau đó, không khí trong phiên tòa chùng xuống, nhiều tiếng nấc bật lên. Sau những tranh cãi, các đương sự lặng yên.

Đừng bỏ lỡ

Bản tin trưa 22-4: Kẻ bịt mặt cầm dao xông vào cướp ngân hàng; Một người giật mình té xe tử vong sau tiếng sét đánh

Bản tin trưa 22-4: Kẻ bịt mặt cầm dao xông vào cướp ngân hàng; Một người giật mình té xe tử vong sau tiếng sét đánh

(PLO)- Một phụ nữ tử vong cạnh ô tô cháy rụi, nghi là án mạng; Xe chở 20 em học sinh bị lật, nhiều em bị thương; Clip ghi lại cảnh cướp ngân hàng ở Hà Nội; Nghe tiếng sét đánh, người đàn ông giật mình té xe dẫn tới tử vong; Phát hiện 20 tấn gà ủ muối, đông lạnh 'bẩn' trong kho ở Hà Nội.

Đọc thêm

Chùm ảnh: Tọa đàm 'Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM'

Chùm ảnh: Tọa đàm 'Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM'LENS

(PLO)- Sáng 22-4, tại trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”. Tọa đàm được tổ chức nhằm lắng nghe những hiến kế mang tính chiến lược và hành động từ các chuyên gia kiều bào góp phần phát triển TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung.