Lý giải về việc phải sửa đổi Nghị quyết 35, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, do là lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, chưa có tiền lệ nên không tránh khỏi hạn chế, vướng mắc, nhất là các quy định về phạm vi, đối tượng; hình thức; thời gian, thời điểm và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm … Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 là cần thiết.
Nếu bị "tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức. Ảnh minh họa.
“Việc xác định 3 mức tín nhiệm như quy định của Nghị quyết số 35 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu chỉ quy định 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm cán bộ” – tờ trình nêu rõ.
Về hệ quả của việc lấy phiếu, UBTVQH đề xuất, khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐNN đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì người bị lấy phiếu có thể xin từ chức.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.
Người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì UBTVQH trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.
Đối với thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, UBTVQH cho rằng, lấy phiếu hàng năm là quá ngắn, chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Do đó, UBTVQH đề nghị sửa đổi theo hướng, mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3).
Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ HĐND 2011-2016, Quốc hội và HĐND tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.
Thành Văn