Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết thuật ngữ lấy phiếu tín nhiệmbắt đầu từ Nghị quyết Trung ương 4, với mong muốn thường xuyên có động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính. “Đã đến lúc để tôi phải bỏ phiếu bất tín nhiệm anh là bước đường cùng rồi. Anh không còn có thể chỉnh sửa được nữa thì thôi cho anh nghỉ” - Tổng Bí thư diễn giải và cho biết vì thế nên mới có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Nếu 2 năm liền phiếu tín nhiệm thấp thì cách chức chứ không để hết nhiệm kỳ hay là hết tuổi. Tổng Bí thư cho rằng điều này là để mỗi người tự rèn luyện và thay đổi cán bộ chứ không để quá trì trệ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong công tác đánh giá cán bộ thời gian qua, nhiều trường hợp còn rất hình thức, không thực tế vì nể nang nhau, không dám đánh giá thật. Cho nên cuối năm khi bình bầu thì hầu hết đảng viên đủ tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc, hầu hết tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
“Lấy phiếu tín nhiệm có sai không? Lâu nay pháp luật không cấm và cũng chẳng ai nói không được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là một hình thức để chúng ta xem xét, đánh giá cán bộ, một kênh thăm dò tín nhiệm của cán bộ, một bước để đi đến bỏ phiếu tín nhiệm. Hàng năm đều có đánh giá. Trước, sau khi bầu cử đều có đánh giá cán bộ, anh nào tham gia nhiều cương vị thì có nhiều chỗ để đánh giá cán bộ nhưng có nhiều trường hợp còn hình thức, không thực chất nên mới lấy phiếu tín nhiệm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
“Vì sao có ba mức? Chính là lấy phiếu tín nhiệm nên mới có 3 mức ấy, còn nếu lấy 2 mức là bỏ phiếu tín nhiệm rồi. Một là chấp nhận anh còn làm tiếp, hai là thôi. Nếu chỉ trên 50% rồi thì đưa anh ra để bỏ phiếu, răn đe chứ, sợ chứ. Trên thực tế vừa rồi khối anh sợ và đã điều chỉnh mình thật sự nếu không sắp tới đưa ra bỏ phiếu thì sao?” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích.
Giải thích về việc trước đây quy định 1 năm tiến hành một lần, giờ lại tính tới điều chỉnh co vào một nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Ngoài lý do tôi vừa nói, hàng năm đều có đánh giá, trước khi bầu cử có đánh giá, lại lấy phiếu, khi vào Quốc hội anh nào được bầu chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đều có bỏ phiếu cả cũng là dịp để bỏ phiếu đánh giá. Rất nhiều, rồi cuối nhiệm kỳ lại đánh giá nữa. Nó dồn dập liên tục. Quanh năm chỉ bận việc này thì còn làm với ăn gì nữa. Mức như thế nên chăng là phải” - Tổng Bí thư giải thích.