Thảm họa cuối tuần rồi khiến luật kiểm soát súng ở New Zealand lại một lần nữa được chú ý khi có đến năm khẩu súng được sử dụng trong thảm họa, tay súng người Úc có giấy phép sử dụng súng và đã mua súng hợp pháp, theo đài CNN (Mỹ).
Luật sở hữu súng New Zealand được ban hành vào năm 1984. Đến năm 1992, hai năm sau khi người đàn ông tâm thần David Gray bắn chết 13 người, luật có sửa đổi điều khoản liên quan đến loại súng cầm tay bán tự động kiểu quân đội.
Dù có sửa đổi nhưng luật New Zealand vẫn được xem là thoải mái hơn phần lớn các nước phương Tây. Tại New Zealand, các cá nhân trên 16 tuổi có quyền xin giấy phép sở hữu súng. Sau khi vượt qua các bước kiểm tra tiền sử phạm tội, bạo lực, sử dụng ma túy, cồn, có quan hệ với thành phần nguy hiểm không…, người xin cấp phép sẽ trải qua một khóa học sử dụng súng an toàn kéo dài vài tháng, sau đó được cấp phép. Giấy phép sẽ được gia hạn sau mỗi 10 năm. Cảnh sát có quyền thu hồi giấy phép nếu cảm thấy mối đe dọa từ người đã được cấp phép. Người bán súng phải có giấy phép và được cảnh sát quản lý.
Tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng trưa 15-3 ở New Zealand. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cảnh sát New Zealand ước tính hiện có khoảng 1,2 triệu khẩu súng lưu hành có lẫn không phép ở nước này, nằm trong nhóm 20 nước có tỉ lệ súng trên đầu người nhiều nhất thế giới với trung bình một khẩu/ba người dân, một tỉ lệ cao nếu so với nước láng giềng Úc (có 3,15 triệu khẩu và tỉ lệ một khẩu/tám công dân).
Luật kiểm soát súng ở New Zealand dù có khắt khe hơn luật một số nước như Mỹ nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cảnh sát New Zealand từ lâu đã lo ngại các lỗ hổng này có thể giúp kẻ xấu lợi dụng. Hai lỗ hổng lớn là về chuyện đăng ký vũ khí và kiểm soát vũ khí bán tự động. Người sở hữu súng dù cần có giấy phép nhưng lại không bị yêu cầu phải đăng ký khẩu súng mình sở hữu. Các lỗ hổng này từng là tâm điểm của nhiều phen tranh luận nhưng chưa đi đến đâu.
GS luật Alesander Gillespie tại ĐH Waikato (New Zealand) từng dự đoán nếu nước này không sửa luật thì sẽ có xả súng hàng loạt. Sau vụ xả súng, GS Gillespie tiếp tục lên tiếng không thể hiểu nổi tình trạng một đất nước có ô tô, thậm chí có nuôi chó cũng phải đăng ký mà súng thì không. Trước đó, vào năm 1997, một thẩm phán cấp cao New Zealand đã đề xuất nhiều thay đổi với luật kiểm soát súng, trong đó có toàn bộ súng cá nhân phải được đăng ký. Một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc trên 79 nước đồng tình đăng ký súng là quy định quan trọng trong kiểm soát súng.
Thử so sánh với luật kiểm soát súng ở nước láng giềng Úc và có một công dân tham gia vụ xả súng. Tại Úc, đăng ký súng là điều bắt buộc. Sau sự việc một tay súng bắn chết 35 người năm 1996, trong vòng hai tuần, các nhà lập pháp Úc ra luật cấm người dân sở hữu súng trường bắn nhanh và súng săn. Người xin cấp phép sở hữu súng ngoài việc phải vượt qua vòng kiểm tra của cảnh sát còn phải trình bày “lý do chính đáng” vì sao phải sở hữu súng, đáng chú ý là lý do phòng vệ không được chấp nhận. Sau bước sửa đổi này, rủi ro thiệt mạng vì súng ống ở Úc giảm hơn 50% so với trước.