Một trong các tay súng thực hiện vụ xả súng kinh hoàng nhất lịch sử New Zealand trưa 15-3 đã tường thuật trực tiếp diễn biến mình thực hiện thảm họa này trong tới 17 phút trên mạng xã hội Facebook.
Tay súng này tên Brenton Harrison Tarrant, 28 tuổi, công dân Úc. Tarrant cũng chính là người trước thời điểm xả súng đã đưa một bản tuyên ngôn dài 87 trang ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng, chống nhập cư, chống Hồi giáo, giải thích lý do hành động của mình. Sáng nay Tarrant đã chính thức ra tòa. Phiên tòa không được công khai “vì rủi ro an ninh quá cao”, cảnh sát viết trên Twitter. Nếu bị kết tội, hình phạt tối đa của Tarrant là chung thân.
17 phút xả súng kinh hoàng lan nhanh trên mạng
Theo hãng tin Reuters (Anh), Tarrant đã sử dụng một chương trình ứng dụng được thiết kế dành cho những người thích những môn thể thao nguy hiểm. Chương trình ứng dụng LIVE4 thường được dùng trong chia sẻ các hình thức thể thao nguy hiểm và nhạc sống.
Tay súng Tarrant đã sử dụng chương trình ứng dụng tên LIVE4 thiết kế cho điện thoại di động để quay và chia sẻ vụ xả súng. Chương trình này cho phép phát trực tiếp trên Facebook từ camera cá nhân. Tay súng Tarrant bắt đầu đoạn video bằng hình ảnh mình đi ô tô đến một đền thờ, bước vào bên trong và xả súng vào mọi người trong đền.
Tay súng người Úc Brenton Harrison Tarrant trên đường đi thực hiện vụ xả súng hôm qua 15-3, diễn biến được chính Tarrant tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội. Ảnh: CNN
Ông Alex Zhukov – nhà sáng lập và là Giám đốc công nghệ của chương trình ứng dụng LIVE4 cho biết dịch vụ này chuyển tải thước quay trực tiếp lên Facebook và công ty của ông không có khả năng kiểm tra nội dung trước.
“Nội dung không được LIVE4 phân tích, được giữ lại hay được sở hữu, chúng tôi không có khả năng (dù chúng tôi có muốn) kiểm tra các video tường thuật trực tiếp khi nó đang diễn ra hay sau khi nó kết thúc. Trách nhiệm về nội dung tường thuật thuộc hoàn toàn và duy nhất về người đã khởi xướng tường thuật”, ông Zhukov trả lời Reuters.
Ông Zhukov nói công ty ông lên án “các hành động của những kẻ xấu xa cũng như việc họ hèn hạ sử dụng chương trình ứng dụng của chúng tôi cho các mục đích ghê tởm này…chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để ngăn điều này không bao giờ xảy ra nữa”.
Hình ảnh vũ khí trong đoạn video xả súng ở New Zealand. Ảnh: NYP chụp từ màn hình
Bộ Nội vụ New Zealand cảnh báo những ai đưa bản sao đoạn video này lên mạng sẽ bị truy cứu: “Nội dung đoạn video là đáng sợ và sẽ gây tổn hại cho những ai xem nó. Chúng tôi đang làm việc với các công ty mạng xã hội, và các công ty này đang tích cực gỡ bỏ nội dung này…”.
Thực tế các bản sao đoạn video này vẫn được chia sẻ trên mạng xã hội hàng giờ sau khi vụ xả súng kết thúc.
Có thể chặn được không?
Ngay sau khi xuất hiện trên Facebook, đoạn video được chia sẻ ngay sang Twitter, YouTube (thuộc công ty Alphabet Inc), Whatsapp và Instagram (thuộc công ty Facebook).
Facebook cho biết đã xóa tài khoản tay súng Tarrant “không lâu sau khi tường thuật trực tiếp bắt đầu” khi được cảnh sát thông báo. Hiện Facebook, Twitter và YouTube đều cho biết đã có các bước đi gỡ bỏ các bản sao đoạn video này. Twitter và Goolge nói đang tích cực chặn chia sẻ bản sao đoạn video.
Người dân may mắn thoát chết, bàng hoàng sau vụ xả súng. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên Reuters vẫn tìm thấy các bản sao đoạn video trên cả 5 trang Facebook, Twitter, YouTube, Whatsapp, Instagram thời điểm 10 giờ sau vụ xả súng.
Trong 15 phút, Reuters tìm thấy 5 bản sao đoạn video trên Youtube được tải về dưới tên tìm kiếm “New Zealand”. Reuters cũng phát hiện bản sao đoạn video đã được một người dùng Instagram ở Indonesia có hơn 1,6 triệu theo dõi chia sẻ về. Reuters cho biết có liên lạc với người dùng này nhưng chưa được phản hồi.
Facebook, Twitter, Alphabet Inc và các công ty mạng xã hội khác trước giờ đều thừa nhận việc kiểm soát và quản lý nội dung trên các trang mạng của mình là một thách thức lớn.
Vụ xả súng ở New Zealand là một ví dụ cho thấy rõ mạng xã hội có thể bị những nhóm cực đoan lợi dụng như thế nào, theo nhà cố vấn cấp cao Lucinda Creighton thuộc tổ chức phi chính phủ Dự án Chống Cực đoan. Bà Creighton nói vụ xả súng đã được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội tới 17 phút trước khi bị chặn lại.
“Những kẻ cực đoan luôn tìm cách lợi dụng các công cụ viễn thông để truyền bá tư tưởng thù địch và bạo lực. Các công ty mạng xã hội không thể ngăn chặn điều này, nhưng có thể nỗ lực hơn để ngăn chặn những nội dung này lan truyền”, theo bà Creighton.
Hình ảnh vũ khí trong đoạn video xả súng ở New Zealand. Ảnh: NYP chụp từ màn hình
Không thể phủ nhận một thực tế rằng một bộ phận cộng đồng mạng thích nội dung bạo lực vẫn đang tìm cách chia sẻ đoạn video này.
Chẳng hạn hiện một số thành viên của một nhóm được gọi là “nhìn người ta chết” trên trang Reddit vẫn bàn nhau làm sao để chia sẻ đoạn video, dù trang web này đã thực hiện các bước đi hạn chế lan tràn.
Một người dùng Reddit cho biết họ đã gửi đoạn video cho hơn 600 người trước khi tài khoản của mình bị ngưng tạm thời do chia sẻ nội dung bạo lực.