Đây là lần đầu tiên Ấn Độ và Pakistan tham dự SCO. Tổng thống Nga Putin đánh giá cao việc này vì nó làm cho “tổ chức trở nên hùng mạnh hơn”.
Chủ trì hội nghị, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh tinh thần “hợp tác cùng phát triển, đoàn kết, thống nhất” của SCO. Một trong những vấn đề ưu tiên của SCO là các nước thành viên cần chủ động trong việc hợp tác chống khủng bố, thắt chặt an ninh quốc phòng và an ninh thông tin. Ông Tập cũng kêu gọi nỗ lực chung để phát huy hết vai trò của nhóm Liên lạc SCO - Afghanistan nhằm hỗ trợ quá trình tái thiết và xây dựng hòa bình ở nước này.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại TQ, hợp tác kinh tế giữa TQ và các nước thành viên cũng phát triển nhanh chóng trong năm 2018. Thương mại với các nước Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan tăng hơn 20% trong quý đầu tiên.
Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Putin tại SCO 2018. Ảnh: REUTERS
Dù có phần miễn cưỡng chấp nhận sáng kiến “Vành đai và con đường”, Nga cũng đang tìm cách mở rộng đòn bẩy kinh tế và chính trị của mình trong khu vực thông qua Liên minh kinh tế Á-Âu. Các nhà phân tích nhận định nhiều quốc gia nhỏ ở Trung Á đang có xu hướng “gần gũi” với Moscow nhằm tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi TQ.
Theo AFP, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tham dự SCO nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ TQ và Nga sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran. “Mỹ luôn cố áp đặt chính sách của mình lên nước khác và điều đó rất nguy hiểm. Họ đang theo dõi phản ứng toàn cầu về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và việc phản ứng yếu ớt sẽ khuyến khích Mỹ có nhiều hành động đơn phương hơn” - ông Rouhani nói.