Ngày 28-8, phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Dmitry Polyanskiy nói rằng Moscow sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho Mali và các nước châu Phi, chỉ trích phương Tây không biết cách hợp tác với các nước Nam bán cầu “trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng”, theo hãng thông tấn TASS.
Theo ông Polyanskiy, quan hệ hợp tác song phương Nga-Mali và việc chính quyền quân sự Mali “chọn các đối tác quốc tế” trong lĩnh vực an ninh “đang khiến các nước phương Tây phải thao thức”.
“Phương Tây đang tái phát chủ nghĩa thực dân mới và chưa sẵn sàng bỏ tiêu chuẩn kép. Tất nhiên, những quốc gia này (phương Tây) có thể giúp đỡ chính quyền Mali thay vì tìm cách làm mất uy tín những nỗ lực đảm bảo an ninh và chống khủng bố của họ. Về phần mình, Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ Mali và các nước châu Phi trên cơ sở song phương, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” - ông Polyanskiy nói tại Hội đồng Bảo an (HĐBA).
Hồi tháng 6, HĐBA LHQ đã bỏ phiếu chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ ở Mali (MINUSMA) sau khi chính quyền quân sự Mali yêu cầu phái bộ của LHQ lập tức rời đi - một động thái mà Mỹ cho là do nhóm lính đánh thuê Wagner (Nga) đứng sau.
Lính đánh thuê của tập đoàn Wagner (Nga) ở miền bắc Mali. Ảnh: AP |
Theo hãng tin Reuters, chính quyền quân sự lên nắm quyền ở Mali sau cuộc đảo chính năm 2020 và hợp tác với nhóm Wagner từ năm 2021.
Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói: “Như nhiều người trong chúng tôi lo ngại, quyết định chấm dứt hoạt động MINUSMA của chính quyền quân sự đã gây ra bạo lực mới ở Mali”.
“Ngoài ra, việc rút MINUSMA còn hạn chế khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ dân thường khỏi nhóm Wagner, vốn có những hoạt động gây thêm bất ổn tại Mali”.
Cam kết của Nga về việc hợp tác với Mali được đưa ra vài ngày sau cái chết của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin. Nhóm Wagner của ông Prigozhin hiện có khoảng 1.000 lính đang hoạt động ở Mali.