Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15-9 cảnh báo nếu Mỹ quyết định viện trợ Ukraine các tên lửa tầm xa hơn thì đồng nghĩa Washington đã vượt “lằn ranh đỏ” và trở thành "một bên của cuộc xung đột”, theo hãng Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Anton Vaganov/REUTERS |
Bà Zakharova đưa ra cảnh báo trên trong một buổi họp báo, đồng thời tuyên bố Nga "bảo lưu quyền phòng vệ lãnh thổ” của nước này.
"Nếu Washington quyết định cung cấp các tên lửa tầm xa hơn cho Kiev thì nước này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột. Trong tình huống như vậy, chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả thích hợp” - bà Zakharova nhấn mạnh.
Bà Zakharova cũng nhận định rằng Washington đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột Nga-Ukraine càng lâu càng tốt trong khi vẫn có thể kiểm soát được những tiến triển của cuộc chiến, gọi đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ “tham gia trực tiếp vào cuộc giao tranh”.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ đang tìm cách “gây bất ổn toàn cầu” và kích động một “cuộc chạy đua vũ trang” mới, theo đài RT.
Bình luận trên của bà Zakharova đưa ra sau khi Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 14-9 tố cáo Mỹ "xúi giục Kiev” đối phó Nga cũng như hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Ukraine và “khoe khoang” về điều đó.
Nhà ngoại giao này cũng gọi tuyên bố của Washington rằng nước này không phải một bên của cuộc xung đột là “vô lý” và “nực cười”.
Cho đến nay, Mỹ đã công khai cung cấp cho Ukraine hệ thống pháo phóng loạt dẫn đường (GMLRS) được phóng từ bệ phóng của hệ thống pháo phản lực động cơ cao (HIMARS) với độ chính xác cao và có tầm bắn khoảng 80 km. Các quan chức Mỹ cho hay Ukraine đã cam kết không sử dụng tên lửa để tấn công lãnh thổ Nga.
Các bệ phóng HIMARS trên có thể dùng để phóng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn tới 300 km. Tờ The Wall Street Journal cho biết phía Ukraine đã liên lạc và đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa hơn như ATACMS. Tuy nhiên vào tháng trước một quan chức cấp cao của Ukraine đã từ chối trả lời về việc Kiev có sở hữu ATACMS hay không.
Trong khi đó, đài CNN đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ giữ nguyên cách tiếp cận trong việc hỗ trợ Ukraine và từ chối viện trợ cho nước này hệ thống tên lửa ATACMS bất chấp Kiev đang đạt được bước tiến đáng kể trên chiến trường trong những ngày gần đây. Theo chính quyền ông Biden, việc cung cấp các hệ thống này có thể làm leo thang cuộc xung đột.