Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN hồi tháng 5-2016 ở Sochi (Nga) là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa Nga và ASEAN được tổ chức ở Nga. Hội nghị được kỳ vọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ. Tuy nhiên, sau 20 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga-ASEAN và sáu năm sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố “Nga sẽ hướng Đông”, kết quả cho thấy thất bại rõ ràng.
Nga không phải bạn hàng lớn ở Đông Nam Á
Chuyên gia Anton Tsvetov ở Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga tại Moscow từng đánh giá: “Trong cộng đồng đối ngoại ở Nga, hiện nay chưa có đồng thuận rằng trục xoay sang châu Á-Thái Bình Dương của Nga có thành công hay không”.
Tạp chí Southeast Asia Globe cho rằng nhận định nêu trên cần được xem xét lại bởi chí ít trong quan hệ Nga-Đông Nam Á, thành công đạt được hết sức hạn chế.
Chắc chắn doanh số bán vũ khí của Nga đã tăng ở Đông Nam Á. Việt Nam đang nhập khẩu 90% thiết bị quân sự từ Nga, trong đó có tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay tiêm kích SU-30, hệ thống tên lửa phòng không.
Năm 2010, Myanmar đã đặt hàng của Nga 20 máy bay MiG-29 và 20 trực thăng quân sự. Hồi tháng 9, Indonesia đặt hàng ba tàu ngầm.
Ngành xuất khẩu năng lượng Nga cũng chú ý đến khu vực Đông Nam Á. Năm 2012, tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom đã đạt được hợp đồng xây hai nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Nga đã bán nhiều tàu ngầm cho Việt Nam. Ảnh: RT
Ngoài ra, quan hệ thương mại Nga-ASEAN đã tăng gấp năm lần giữa năm 2005 và 2014.
Dù vậy, thương mại song phương chỉ đạt được 21,4 tỉ USD năm 2014, tức bằng 1% ngoại thương của ASEAN, do đó Nga chỉ là bạn hàng thứ 14 của ASEAN.
Về đầu tư, Nga chỉ chiếm 0,2% vốn đầu tư vào ASEAN từ năm 2012 đến 2014. Trong 698 triệu USD đầu tư vào khu vực, Nga đã đầu tư hết 420 triệu USD ở Việt Nam.
Chuyên gia Ian Storey ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) đã kết luận trong báo cáo hồi năm ngoái rằng Nga chỉ là người chơi “cò con” trong nền kinh tế Đông Nam Á.
Vì sao Nga chọn Đông Nam Á?
Chính sách xoay trục sang hướng Đông của Tổng thống Putin được thực hiện bởi nhu cầu cần thiết hơn là quyết định chọn lựa. Năm 2010, Moscow phải tìm kiếm các giải pháp kinh tế thay thế khi khủng hoảng tài chính thế giới tác động đến kinh tế Nga, đồng thời giá dầu thô sụt giảm.
Năm 2014, chính sách xoay trục sang hướng Đông được thúc đẩy mạnh hơn vào lúc vụ khủng hoảng Ukraine đã làm quan hệ Nga-EU nguội lạnh trong khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Thế nhưng Đông Nam Á không phải là lựa chọn đầu tiên của Nga.
Chuyên gia Anton Tsvetov nhận xét: “Chính sách tái cân bằng sang châu Á của Nga khởi đầu từ Trung Quốc”. Ngay sau đó, nhiều ý kiến ở Nga cho rằng Nga đang thiết lập quan hệ đối tác bất bình đẳng và không tương xứng với Bắc Kinh. Do đó, Nga phải chứng tỏ trục xoay không phải chỉ hướng về Trung Quốc.
Kế tiếp, Nga đã nhắm đến Nhật và Ấn Độ như giải pháp tiếp theo vì đây là hai nền kinh tế lớn nhất ở châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ Nga-Nhật ấm dần nhưng trở ngại là hai nước vẫn còn lấn cấn về quần đảo Kuril và các nước G7 đang cấm vận Nga.
Đối với Ấn Độ, ít có thành công đạt được chủ yếu vì chính phủ Ấn Độ tìm kiếm siết chặt quan hệ với Mỹ. Trong bối cảnh đó Nga mới quay sang Đông Nam Á.
Nga không màng đến an ninh
Dù ít có mối liên hệ lịch sử giữa Nga với Đông Nam Á nhưng Nga vẫn phát triển về ngoại giao. Năm 1996, Nga trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và với Mỹ rồi tham gia hội nghị cấp cao Đông Á năm 2011. Hiện thời Nga đã tổ chức ba hội nghị cấp cao Nga-ASEAN ở Kuala Lumpur năm 2005, Hà Nội năm 2010 và Sochi năm nay.
Song chuyên gia Ian Storey đánh giá “cam kết của Nga với ASEAN mang tính chất bề ngoài nhiều hơn”. Nga ít có giao dịch với nhà nước vì vướng cấm vận nên không thể tham gia đầy đủ vào khu vực. Ví dụ, Tổng thống Obama đã tham gia bốn hội nghị cấp cao Đông Á trong khi Tổng thống Putin chưa từng tham gia lần nào.
GS Vitaly Kozyrev tại Trường Endicott (Mỹ) ghi nhận: “Nga không mong muốn là một tác nhân thực sự về an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Năm 2010, Putin đã bơm hơn 650 tỉ USD cho quân đội trong khuôn khổ chương trình 10 năm hiện đại hóa quân đội. Hiện nay ngân sách quốc phòng của Nga đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Từ khả năng hạt nhân đến máy bay ném bom TU-95 có thể tuần tra gần Nhật và đảo Guam của Mỹ, dường như Nga không có ý định đối phó với Mỹ và Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyên gia Ekaterina Koldunova đánh giá: “Các nước Đông Nam Á có thể mong muốn nhìn thấy Nga như trung tâm quyền lực thứ ba trong khu vực để cân bằng với Mỹ và Trung Quốc. Vì thế Nga mới được mời tham dự hội nghị cấp cao Đông Á. Thế nhưng đến nay Nga cố giữ thái độ trung lập khi Mỹ và Trung Quốc đối kháng nhau làm gia tăng căng thẳng”.
Theo tạp chí Southeast Asia Globe, thật ra Nga chỉ muốn bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á. Bởi thế về vấn đề biển Đông, Nga thường giữ thinh lặng.
Chuyên gia Anton Tsvetov ghi nhận tiếp cận Đông Nam Á không phải là chuyện dễ làm đối với Nga. Có nhiều nguyên nhân giải thích: - Nga có nền tảng quan hệ vững chắc với Việt Nam, trong khi đối với các nước khác Nga lại thiếu bề dày lịch sử quan hệ. - Các kế hoạch nhằm mở cửa thương mại với các nước Đông Nam Á chỉ đạt kết quả khiêm tốn bởi Nga thiếu sản phẩm để trao đổi, đội tàu buôn của Nga cũng thiếu và quan trọng hơn là thiếu tinh thần doanh nghiệp. - Nga là người chậm chân ở khu vực Đông Nam Á. Các thị phần ở đây đã được phân chia theo phạm vi ảnh hưởng. |