Nga chính thức khóa nguồn cung khí đốt cho 2 nước châu Âu

(PLO)-  Tập đoàn Gazprom tuyên bố chỉ đến khi Bulgaria và Ba Lan tuân thủ yêu cầu của Nga, việc cung cấp khí đốt mới được nối lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gazprom, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của Nga, ngày 27-4 thông báo tập đoàn này chính thức ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan sau khi hai nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Một trạm bơm khí đốt nhập từ Nga gần thủ đô Warsaw của Ba Lan. Ảnh: AP

Một trạm bơm khí đốt nhập từ Nga gần thủ đô Warsaw của Ba Lan. Ảnh: AP

Theo đài RT, trong tuyên bố đưa ra vào đầu ngày 27-4, Gazprom giải thích rằng “tính đến cuối ngày làm việc 26-4, Gazprom Export vẫn chưa nhận được các khoản thanh toán bằng đồng rúp cho những đợt giao khí đốt trong tháng 4 từ các công ty Bulgargaz (Bulgaria) và PGNiG (Ba Lan)”, theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin trong sắc lệnh được ban hành vào ngày 31-3.

Tập đoàn năng lượng Nga lưu ý rằng “các khoản thanh toán cho khí đốt được giao kể từ ngày 1-4 phải được thực hiện bằng đồng rúp” và hai công ty nói trên đã được thông báo về quy định này “một cách kịp thời”.

Tuyên bố của Gazprom cho biết chỉ đến khi Bulgaria và Ba Lan tuân thủ yêu cầu của Nga, việc cung cấp khí đốt mới được nối lại.

Tháng trước, Tổng thống Putin yêu cầu các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine và vẫn đang nhập khẩu khí đốt của nước này, phải thanh toán bằng đồng rúp. Một số bên mua đã tỏ ý sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu của Moscow.

Hôm 25-4, Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức, cho biết họ có thể thanh toán cho các đợt cung cấp trong tương lai mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Uniper hôm 25-4 nói rằng có một cách để lách qua ranh giới mong manh giữa việc tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU và việc đáp ứng yêu cầu của Nga đối với các khoản thanh toán bằng đồng rúp. Một đại diện của công ty này cho biết trong một tuyên bố qua email rằng “theo đánh giá ban đầu và vẫn không có tính ràng buộc, chúng tôi vẫn coi việc xử lý vấn đề thanh toán theo hướng tuân thủ (yêu cầu của Nga) trong tương lai là khả thi”.

Ba Lan đã từ chối làm theo yêu cầu này và hôm 26-4 đã trừng phạt Gazprom, công ty sở hữu 48% cổ phần trong công ty Ba Lan đồng sở hữu đường ống dẫn khí Yamal-Europe. Đường ống dài 4.000 km này vận chuyển khí đốt từ bán đảo Yamal và tây Siberia đến Đức và Ba Lan thông qua Belarus.

Phát biểu với đài phát thanh RMF của Ba Lan hôm 27-4, ông Petr Naimsky, quan chức chính phủ Ba Lan chịu trách nhiệm giám sát cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược của đất nước, cho biết Warsaw sẽ không còn mua khí đốt từ Nga nữa.

Công ty PGNiG của Ba Lan có hợp đồng khí đốt với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Công ty này cho biết sẽ không tuân thủ kế hoạch thanh toán mới và sẽ không gia hạn hợp đồng. Hợp đồng cung cấp khí đốt của Ba Lan với Gazprom là 10,2 tỉ m3 mỗi năm - chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ của nước này.

Trong khi hợp đồng 10 năm hiện tại của Bulgaria với Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay, tuyên bố của phía Sofia nói rằng Bulgargaz sẽ không hoàn tất hợp đồng nếu phải thanh toán bằng đồng rúp, đồng thời nêu rõ cơ chế thanh toán này “gây ra rủi ro đáng kể cho Bulgaria”. Bulgaria nhập khoảng 90% lượng khí đốt tiêu thụ trong nước từ Nga, phần còn lại đến từ Azerbaijan.

Tháng trước, một phát ngôn viên của công ty năng lượng Bulgargaz nói với các phóng viên rằng, kể từ mùa hè này, Azerbaijan sẽ đáp ứng toàn bộ nguồn cung khí đốt cho Bulgaria nhưng với mức giá cao hơn.

Bên cạnh đó, chính phủ Bulgaria có kế hoạch kết nối để vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ cảng Hy Lạp - nơi khí đốt sẽ được nhập khẩu bằng tàu từ Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm