Nga gia tăng vai trò trong xung đột Syria

Từ đầu tháng 9, xung đột Syria đã bước sang bước ngoặt mới. Nga tiếp tục ủng hộ Syria về quân sự (cung cấp vũ khí) và ngoại giao đồng thời đã có dấu hiệu can thiệp sâu hơn vào xung đột Syria.

Cuối tuần trước, văn phòng tổng thống Nga thông báo Nga sẵn sàng nghiên cứu đưa quân sang Syria nếu Tổng thống Bashar al-Assad yêu cầu.

Hôm 20-9 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tuyên bố với kênh truyền hình Nga Russia Today: “Nga tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận Al-Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria) còn quan trọng hơn là cung cấp vũ khí cho Syria”.

Ông đánh giá Nga can thiệp vào Syria trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và có điều phối với Syria (Mỹ thì không).

Ông cho rằng Nga “sẽ làm phá sản kế hoạch của những kẻ âm mưu chống Syria và chứng minh Mỹ không có chiến lược rõ ràng chống Nhà nước Hồi giáo”.

Có thể nói Mỹ đang mắc kẹt tại Syria. Nội chiến bùng nổ ở Syria từ tháng 3-2011. Đến năm 2013, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo bắt đầu can dự vào xung đột Syria bên cạnh khủng bố Al Qaeda.

Người dân Syria tản cư hàng loạt tạo sức ép với châu Âu. Biếm họa của AREND VAN DAM (Hà Lan)

Cũng vì chiến tranh và khủng bố, người dân Syria tản cư hàng loạt tạo sức ép với châu Âu. Do đó, muốn giải quyết vấn đề người nhập cư vào châu Âu thì phải giải quyết xung đột Syria và vấn đề Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Tuy nhiên, giải pháp của Mỹ và Nga lại mâu thuẫn nhau.

Mỹ và một số nước đồng minh Ả Rập ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và muốn Tổng thống Bashar al-Assad ra đi. Mỹ đã lập liên minh không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria nhưng kết quả chẳng đi đến đâu.

Trong khi đó, Nga đưa ra sáng kiến thành lập một mặt trận rộng rãi chống khủng bố bao gồm Syria và nhiều nước trong khu vực. Tất nhiên Mỹ không hoan nghênh vì như vậy Tổng thống Bashar al-Assad vẫn tại vị.

Trong bối cảnh đó, mấy tuần trước Mỹ đã nhiều lần báo động Nga đưa quân sang Syria. Mỹ cho rằng Nga đã triển khai ở Syria tối thiểu bốn trực thăng quân sự, bảy xe tăng, hàng chục xe bọc thép chuyển quân.

Thế nhưng bây giờ Mỹ đã đổi giọng, nêu lên giải pháp phối hợp với Nga. Bước ngoặt xảy ra vào ngày 18-9, hai bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ đã điện đàm kéo dài 50 phút.

Quan hệ quân sự cấp cao Mỹ-Nga đã bị cắt đứt sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014. Hai bộ trưởng Quốc phòng trò chuyện lần cuối vào tháng 8-2014. Như vậy đây là lần đầu tiên hai bên đối thoại sau thời gian một năm.

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo hai bộ trưởng Quốc phòng đã nhất trí thương lượng về các cơ chế giảm leo thang xung đột Syria và về chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiếp tục khẳng định: Đánh bại Nhà nước Hồi giáo và thiết lập thời kỳ quá độ chính trị ở Syria là hai mục tiêu cùng tiến hành song song.

Theo TASS (Nga), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nhận định quan điểm của hai bên hầu như tương đồng với nhau về nhiều vấn đề, hai bên đã nhất trí tiếp tục đối thoại về Syria và đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo.

Chỉ có bốn hoặc năm tay súng nổi dậy Syria được Mỹ huấn luyện đang chiến đấu ở Syria. Tướng Lloyd J. Austin chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông thừa nhận như trên tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 16-9. Nghị sĩ Jeff Sessions thốt lên: “Thất bại hoàn toàn!”. Hồi đầu năm Lầu Năm Góc thông báo thực hiện kế hoạch huấn luyện 5.000 quân nổi dậy Syria trong năm đầu tiên với kinh phí 500 triệu USD. Hiện nay chỉ có khoảng 100 tay súng nổi dậy Syria được huấn luyện.

85.000 người nhập cư Mỹ sẽ tiếp nhận trong năm 2016, trong đó 10.000 người là công dân Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đến năm 2017 Mỹ sẽ tiếp nhận 100.000 người nhập cư.

 ____________________________________

Nếu Nga không ủng hộ Syria, tình hình Syria sẽ còn tệ hơn Libya và làn sóng người di cư sẽ còn nhiều hơn.

Tổng thống Nga PUTIN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm