Nga lâm thế khó vụ kết án ông Navalny

Trong nhiều năm, Điện Kremlin đã công khai bác bỏ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny như một blogger không liên quan và ít được ủng hộ. Tuy nhiên,  các cuộc biểu tình hàng loạt với hàng nghìn người tham gia diễn ra ở nhiều nơi trên khắp nước Nga trong hai ngày cuối tuần vừa qua nhằm ủng hộ ông Navalny cho thấy Điện Kremlin đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đài CNN đưa tin.

Nga tuyên phạt ông Navalny ba năm sáu tháng tù giam

Tòa án ở Moscow ngày 2-2 tuyên phạt ông Navalny ba năm sáu tháng tù giam nhưng luật sư của ông Navalny cho biết ông chỉ phải ngồi tù hai năm tám tháng vì đã bị quản thúc tại gia trước đó. Các luật sư cho biết họ sẽ kháng cáo.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: AFP

Ngay sau khi tòa án đưa ra phán quyết, Mỹ, Đức, Anh và EU đã kêu gọi Nga ngay lập tức trả tự do cho ông Navalny. Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để buộc Nga chịu trách nhiệm.

"Mỹ quan ngại sâu sắc trước phán quyết hai năm tám tháng tù đối với nhân vật đối lập Alexei Navalny. Chúng tôi một lần nữa yêu cầu chính phủ Nga trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Navalny, cũng như hàng trăm công dân Nga khác đang bị giam giữ sai trái trong những tuần gần đây" - ông Blinken tuyên bố.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng phương Tây không còn nhiều lựa chọn để gây áp lực cho Nga bởi nước này đã đang phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt rồi. Một đồng minh của ông Navalny kêu gọi phương Tây nên trừng phạt các cá nhân liên quan đến ông Putin.

Chưa hết, sau phát quyết của tòa, các cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia đã nổ ra trên toàn quốc với mục đích kêu gọi thả ông Navalny cũng đã gây áp lực không nhỏ cho Điện Kremlin.

Chưa kể, Tổ chức Chống Tham nhũng của ông Navalny (FBK) gần đây còn đưa ra một thông tin cho rằng một cung điện bí mật xa hoa nằm trên bờ Biển Đen của Nga, được cho là của Tổng thống Vladimir Putin. Thông tin này lan tràn chóng mặt trên mạng xã hội và đã khiến công chúng phẫn nộ.

Đài CNN không có khả năng xác minh độc lập các tuyên bố của FBK. Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov đã phủ nhận việc nhà lãnh đạo Nga có liên quan đến khu đất.

Kết cục của những nhân vật đối lập

Tổng thống Nga Putin từng phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn trong quá khứ, đặc biệt là từ năm 2011 đến năm 2012, khi hàng chục nghìn người phản đối cuộc bầu cử quốc hội mà các nhà phê bình cho là có sai sót, đã giúp ông Putin trở lại chức vụ tổng thống sau thời gian ngắn làm thủ tướng, phá vỡ hiến pháp của Nga về việc tổng thống không được làm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Chính phủ Nga năm 2020 còn thúc đẩy thông qua việc sửa đổi hiến pháp bằng một cuộc trưng cầu dân ý, cho phép ông Putin tại vị đến năm 2036.

Trong quá khứ, những người được cho là đối thủ của Điện Kremlin đều đã bị bắn, hạ độc hoặc làm mất uy tín để bịt miệng và Điện Kremlin thì luôn phủ nhận việc họ có liên quan đến các vụ việc kể trên.

Ông Boris Nemtsov, một nhân vật đối lập hàng đầu của Nga, đã bị bắn gần Điện Kremlin vào năm 2015 trước sự lên án của quốc tế. Khi đó, ông được coi là nhà lãnh đạo rõ ràng nhất của phe đối lập Nga. Điện Kremlin cho biết vào thời điểm đó, Putin đã nhanh chóng lên án vụ giết người.

Tiếp đó, năm người đàn ông Chechnya đã bị tòa án quân sự Nga kết tội và bị tuyên án tù vì hành vi xả súng vào năm 2017.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK/REUTERS

Năm 2006, nhà báo điều tra người Nga Anna Politkovskaya đã bị bắn hạ trong tòa nhà chung cư ở Moscow. Năm người đàn ông đã bị kết án vì tội giết cô Politkovskaya nhưng các đồng nghiệp cũ của cô cho biết có rất ít hy vọng rằng kẻ đã ra lệnh giết người sẽ phải chịu trách nhiệm. Điện Kremlin lúc đó cũng phủ nhận mọi liên quan đến vụ giết người.

Chưa hết, cựu tài phiệt giàu nhất nước Nga, ông Mikhail Khodorkovsky đã ngồi tù hơn một thập kỷ. Ông bị kết tội trốn thuế và gian lận. Trước đó, ông Khodorkovsky đã lên tiếng ủng hộ các nhóm đối lập và cáo buộc chính quyền Tổng thống Putin tham nhũng.

Cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko, người từng nhiều lần lên tiếng phê bình Điện Kremlin đã qua đời ở Anh vào năm 2006 sau khi bị đầu độc bằng đồng vị phóng xạ hiếm, polonium-210. Năm 2016, một cuộc điều tra của Anh kết luận rằng ông Putin có thể đã chấp thuận hoạt động của hai điệp viên Nga để giết ông Litvinenko. Bộ Ngoại giao Nga vào thời điểm đó bác bỏ cuộc điều tra của Anh và nói rằng nó có động cơ chính trị.

Navalny chỉ là người mới nhất trong những người dám thách thức quyền lực của ông Putin.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh vào ngày 20-18-2020. Sau thời gian hôn mê, ông Navalny được chính quyền Moscow đồng ý chuyển đến Đức điều trị và sau đó khỏi bệnh. Đến ngày 17-1-2021, ông Navalny quyết định trở về Nga và đã bị bắt ngay biên giới. Ông cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ám sát mình trong khi Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm