Ngày 27-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Nga không có kế hoạch leo thang hạt nhân trong cuộc đối đầu với phương Tây về vấn đề xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng các nước khác không nên thử thách sự kiên nhẫn của Moscow, theo hãng tin Reuters.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn sự tiến triển của các sự kiện theo kịch bản tồi tệ nhất, nhưng chúng tôi sẽ không đánh cược bằng lợi ích sống còn của đất nước mình. Tôi nghĩ rằng không một ai nên nghi ngờ quyết tâm của chúng tôi, và cũng đừng nên trải nghiệm nó trong thực tế" - bà Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova. Ảnh: REUTERS |
Ngoài ra, bà Zakharova còn chỉ trích mạnh mẽ về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine và mở rộng liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến gần biên giới nước này. Bà viện dẫn về việc Phần Lan - quốc gia có chung đường biên giới dài với Nga, chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào đầu tháng này.
"Họ (Mỹ) tiếp tục cố tình xâm phạm lợi ích cơ bản của chúng tôi, cố tình tạo ra các rủi ro và gây nguy hiểm trong cuộc đối đầu với chúng tôi" - bà Zakharova nói.
Bình luận của bà được đưa ra sau một loạt cảnh báo của các quan chức cấp cao Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, nói về việc sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine đang làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân thảm khốc.
Hồi đầu tuần này, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nói rằng thế giới "rất có thể đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới mới".
Trong khi ông Putin xem xung đột ở Ukraine là "chiến dịch quân sự đặc biệt" thì Mỹ và các đồng minh lên án và tìm mọi cách đưa hai bên cuộc chiến ngồi vào vòng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm này.
Mới đây, vào ngày 26-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây là cuộc trao đổi qua điện thoại đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra,
Các nước phương Tây đã lên tiếng hoan nghênh động thái này, tuy nhiên họ cũng bày tỏ sự không chắc chắn về triển vọng hoà bình, theo hãng tin Reuters.