Nga phản ứng việc Pháp bắt CEO Telegram

(PLO)- Nga lên án việc Pháp bắt CEO Telegram - ông Pavel Durov, cáo buộc Mỹ đứng sau toàn bộ sự việc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-8, Nga lên án việc Pháp bắt ông Pavel Durov, tỉ phú người Nga, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram một ngày trước đó, theo đài RT.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chất vấn các nhóm nhân quyền quốc tế rằng liệu các nhóm này có gây sức ép lên Pháp sau vụ ông Durov bị bắt hay không.

Bà Zakharova nhắc lại việc các nhóm nhân quyền quốc tế đã chỉ trích gay gắt Nga cách đây vài năm khi cho rằng Moscow cố gắng quản lý hoạt động của Telegram.

Nga phản ứng việc Pháp bắt CEO Telegram
CEO Telegram - ông Pavel Durov. Ảnh: REUTERS

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, trong thời gian chính phủ Nga có vấn đề pháp lý với Telegram về các thông số kỹ thuật thì ông Durov vẫn được tự do.

“Ông Durov vẫn tự do trong suốt thời gian này và tiếp tục phát triển Telegram. Bạn nghĩ sao, liệu lần này các tổ chức phi chính phủ có kháng cáo lên Paris và yêu cầu thả ông Durov hay sẽ giữ im lặng?” - bà Zakharova nói.

Tương tự, phó chủ tịch quốc hội Nga Vladislav Davankov kêu gọi Pháp thả ông Durov.

Ông Davankov lập luận rằng việc Pháp bắt CEO Telegram “có thể có động cơ chính trị và nhằm truy cập thông tin cá nhân của người dùng Telegram”.

Cũng trong ngày 25-8, bà Ekaterina Mizulina - người đứng đầu Liên đoàn Internet An toàn của Nga và là thành viên của Phòng Dân sự Nga - cáo buộc Mỹ yêu cầu Pháp bắt CEO Telegram.

Bà Mizulina viết trên Telegram rằng bà không bất ngờ khi ông Durov bị bắt tại một sân bay ở thủ đô Paris (Pháp) với các cáo buộc liên quan đồng lõa gian lận, buôn bán ma túy, bắt nạt trên mạng và thúc đẩy khủng bố.

“Tôi từ lâu đã tin rằng việc rời khỏi Nga là một rủi ro lớn đối với những người sở hữu Telegram, vì họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào” - bà Mizulina viết.

Ông Durov rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng mạng xã hội Vkontakte (sau đó ông đã bán nền tảng này).

Bà Mizulina cho rằng “Mỹ đứng sau toàn bộ” sự việc, lập luận rằng Telegram với hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, là “cái gai trong mắt” Washington.

Ngay sau khi Pháp bắt CEO Telegram, Đại sứ quán Nga tại Paris đã liên hệ với phía Pháp để làm rõ nguyên nhân, đồng thời yêu cầu đảm bảo bảo vệ quyền lợi và cho phép ông Durov có quyền tiếp cận lãnh sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm