Trang tin Washington Free Beacon dẫn lời Đại tá Hải quân Danny Hernandez - tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, cho biết khi một máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ đang bay ở không phận quốc tế trên biển Baltic hôm 14-4, một chiến đấu cơ Su-27 của Nga áp sát đã với cách thức “thiếu chuyên nghiệp và không an toàn”.
Theo lời quan chức này, khi đó chiếc Su-27 tiếp cận RC-135 với tốc độ cao. Su-27 bay chỉ cách cánh của RC-135 khoảng 15 m, lượn từ sườn trái lên phía trên RC-135 rồi sang sườn phải. Lầu Năm Góc cho rằng hành động này có thể gây thương vong cho tất cả phi công hai nước. Đồng thời, cách thức này có nguy cơ khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang không cần thiết, theo Irish Examiner.
Máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc trên, nói rằng chiến đấu cơ Su-27 hoàn toàn tuân thủ quy định quốc tế về việc sử dụng không phận trong suốt chuyến bay, theo CNN.
"Cáo buộc của truyền thông phương Tây về vụ Su-27 bay "nguy hiểm" sượt qua một máy bay RC-135 của Mỹ ở biển Baltic là sai trái", hãng Tass dẫn lời ông Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga.
CNN đưa tin phía Nga tuyên bố hôm 14-4 phát hiện một mục tiêu không xác định trên không, đang tiến về biên giới Nga với tốc độ cao.
"Để xác định mục tiêu, một chiếc Su-27 thuộc đơn vị không quân Hạm đội Baltic đang làm nhiệm vụ đã được triển khai. Chiếc này bay qua mục tiêu và nhận dạng vật thể là máy bay trinh sát RC-135U của không quân Mỹ", ông Konashenkov nói.
Sau khi nhìn thấy Su-27, máy bay trinh sát Mỹ quay đầu đổi hướng, theo phát ngôn viên Nga. Không có vụ tai nạn nào xảy ra trong cuộc “chạm trán” trên giữa máy bay hai nước.
Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi các máy bay chiến đấu Su-24 của Nga lượn sát hàng chục lần phía trên tàu khu trục Donald Cook của Mỹ cũng ở vùng biển Baltic, trong đó có những lần tiếp cận ở cự ly chỉ 9 m.
Mỹ đã chỉ trích hành động này là “khiêu khích” và là “tấn công mô phỏng”, và khẳng định có quyền bắn hạ theo quy tắc giao chiến. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ các cáo buộc này và lý giải hoạt động áp sát trên là do tàu Mỹ hoạt động quá gần một căn cứ quân sự Nga ở Baltic.