Nga-phương Tây, con bài năng lượng của ai mạnh hơn?

(PLO)- Con bài năng lượng mà Nga và phương Tây dùng để gây khó cho đối phương đều không đạt như kỳ vọng, khi châu Âu vẫn đứng vững và Nga vẫn có doanh thu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ đầu chiến dịch quân sự Moscow phát động ở Ukraine, Nga và phương Tây liên tục tung đòn “ăn miếng trả miếng” về năng lượng, như Liên minh châu Âu (EU) liên tục tung gói trừng phạt dầu Nga hay Moscow chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp... Tuy nhiên, sau nhiều tháng không ai nhường ai, con bài năng lượng hai bên sử dụng đấu với đối phương đều cho thấy kém hiệu quả với cả hai.

Châu Âu đứng vững trước đòn năng lượng Nga

Thời tiết ôn hòa, hỗ trợ của chính phủ, các kho dự trữ khí đốt được lấp đầy và năng lượng nhập khẩu từ các khu vực khác đã giúp châu Âu hạn chế được thiệt hại kinh tế do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra, theo hãng tin AFP.

Tác động sau hai tháng cấm vận của Liên minh châu Âu đối với xuất khẩu dầu thô của Nga không nghiêm trọng như một số người dự đoán.

Chuyên gia

STEPHEN BRENNOCK

tại PVM Oil Associates (Anh)

Thời gian qua các nước châu Âu đã rất nỗ lực kéo giảm nhu cầu sử dụng khí đốt và đã thành công, theo tờ The Guardian. Đức đã giảm 14% lượng tiêu thụ khí đốt trong năm 2022 so với mức trung bình giai đoạn 2018-2021. Trong khi đó, các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan lần lượt giảm 24%, 36% và 47%. Trung bình nhu cầu khí đốt của châu Âu trong năm 2022 đã giảm 12% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2021, theo tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels (Bỉ). Nhà nghiên cứu của Bruegel Simone Tagliapietra nói rằng đó là “một điều hoàn toàn phi thường”.

Theo AFP, do nhiệt độ mùa đông năm nay cao hơn bình thường nên người tiêu dùng châu Âu đã bật hệ thống sưởi muộn hơn, điều này giúp kiểm soát hóa đơn và đảm bảo dự trữ ở mức cao. Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức 72% công suất, gấp đôi thời điểm này năm ngoái. Điều này phần lớn nhờ vào nỗ lực của các nước châu Âu cố gắng lấp đầy các kho lưu trữ và tìm kiếm nguồn năng lượng mới khi Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Một trạm nén khí của đường ống khí đốt tự nhiên Baltic Pipe (Ba Lan). Ảnh: GETTY IMAGES

Một trạm nén khí của đường ống khí đốt tự nhiên Baltic Pipe (Ba Lan). Ảnh: GETTY IMAGES

Đức (nền kinh tế lớn nhất châu Âu và vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga) và các nước láng giềng EU đã mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ với giá đắt hơn so với khí đốt của Nga. Lượng nhập khẩu LNG ở châu Âu đã tăng 60% vào năm 2022 so với năm trước, theo Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA).

Năng lượng châu Âu còn có một nguồn cung khác đó là sự tái xuất của một số lò phản ứng hạt nhân Pháp vốn đã ngừng hoạt động. Ngoài ra còn có nguồn cung từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió ở Phần Lan, thủy điện ở Thụy Điển...

Kết quả là “các kịch bản tồi tệ nhất cho mùa đông 2022-2023 đã không xảy ra”, theo ông Fabian Skarboe Ronningen, chuyên gia nghiên cứu thị trường điện tại Công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy).

Trừng phạt dầu Nga không như kỳ vọng của phương Tây

Sau nhiều lần liên tục trừng phạt năng lượng Nga, tháng 12-2022, EU tiếp tục tung gói trừng phạt năng lượng lớn nhất mà khối này từng áp đặt đối với một quốc gia. Theo đó, châu Âu cấm nhập dầu của Nga bằng đường biển, cấm các chủ tàu, ngân hàng và công ty bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bán dầu thô của Nga trừ khi dầu được bán bằng hoặc dưới mức giá trần 60 USD/thùng.

Theo tờ The Economist, gói trừng phạt hồi tháng 12-2022 đã không hạn chế được doanh số bán dầu thô của Nga. Sau thời gian ngắn tạm lắng do các công ty châu Âu tìm cách tuân thủ mức giá trần, các chuyến hàng nhanh chóng được nối lại. Tuy nhiên, các chuyến hàng này không còn hướng đến châu Âu nữa mà phần lớn đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 16 lần kể từ khi bắt đầu chiến sự, trung bình 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 12-2022. Trong bốn tuần đầu năm nay, xuất khẩu dầu thô của Nga đạt trung bình 3,7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6-2022 và cao hơn bất kỳ khoảng thời gian bốn tuần nào của năm 2021.

Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA, Phần Lan) ước tính Nga đang thiệt hại khoảng 160 triệu euro/ngày từ dầu do bị trừng phạt. Tuy nhiên, trừ đi khoản thiệt này thì Nga cũng còn kiếm được 640 triệu euro/ngày từ việc bán dầu.

Đến ngày 5-2, châu Âu ngừng mua dầu tinh chế của Nga nếu không đảm bảo giá trần. Theo The Economist, Nga sẽ không dễ tìm thị trường thay thế do cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có các nhà máy lọc dầu và khả năng cao một phần dầu tinh chế của Nga sẽ không bán được. Tuy nhiên, tác động này có thể phai dần theo thời gian. Không thể bán dầu tinh chế, Nga có thể sẽ tăng xuất khẩu dầu thô. Phần mình, châu Âu có thể sẽ phải chuyển hướng sang mua dầu diesel từ Trung Quốc và Ấn Độ song vấn đề là nó lại được sản xuất từ ​​dầu thô của Nga. Khi nhiều dầu của Nga chảy ra ngoài tầm kiểm soát của phương Tây, các biện pháp trừng phạt lại càng trở nên kém hiệu quả hơn, The Economist kết luận.•

Dầu Urals của Nga được mua gần ngang giá dầu Brent

Nhóm ủng hộ áp giá trần dầu của Nga viện tới con số phương Tây đưa ra về chênh lệch giá giữa dầu Brent tiêu chuẩn và dầu thô Urals của Nga, rồi ước tính dầu của Nga hiện được giao dịch với mức chiết khấu 38%.

Tuy nhiên, The Economist lưu ý rằng các cơ quan báo cáo số liệu của phương Tây đã không điều chỉnh phương pháp đánh giá phù hợp với thực tế dầu của Nga không còn được bán thông qua các kênh mà họ có thể quan sát được. Các hãng lọc dầu và thương nhân châu Âu thường chia sẻ dữ liệu với các công cụ theo dõi giá nhưng các công ty Ấn Độ không làm vậy. Phương Tây dựa vào các chỉ số có sẵn công khai để ước tính chi phí vận chuyển giữa các cảng Nga và các cảng dầu châu Âu, trong khi giá vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á lại được ấn định riêng.

Kết quả, những số liệu chiết khấu mà phương Tây đưa ra không chính xác. Sử dụng dữ liệu hải quan Ấn Độ, ông Sergey Vakulenko, chuyên gia năng lượng tại Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), cho biết các nhà nhập khẩu Ấn Độ mua dầu Urals (Nga) gần ngang giá dầu Brent.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm