Nga sẽ là nhân tố giúp hóa giải xung đột Israel - Hamas?

Xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine hiện đã bước sang ngày thứ chín liên tiếp mà chưa có dấu hiệu xuống thang bạo lực. Mới đây nhất, đài CNBC dẫn tuyên bố của quân đội Israel cho biết trong đợt không kích ngày 18-5, máy bay quân sự của nước này đã thả 110 bom dẫn đường xuống Dải Gaza. Mục tiêu tấn công bao gồm vị trí các thủ lĩnh Hamas, các đường hầm do chiến binh của phong trào này đào xuyên qua biên giới với Israel và các bệ phóng tên lửa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm thủ đô Moscow hồi tháng 6-2016. Ảnh: AP

Trong khi đó, kênh Channel News Asia cùng ngày dẫn thống kê của Bộ Y tế Palestine cho biết các đợt tấn công của Israel tính đến nay đã khiến 217 người ở Dải Gaza thiệt mạng (trong đó có 63 trẻ em) và làm 1.400 người bị thương. Thống kê bên phía Israel cho thấy đã có 12 người ở nước này thiệt mạng do các cuộc tập kích từ Hamas, theo CNBC.

Định vị Nga trong nỗ lực giảng hòa từ quốc tế

Trong bối cảnh như vậy, một sự can thiệp rõ ràng và dứt khoát từ cộng đồng quốc tế là điều cần thiết lúc này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đến nay hầu như vẫn chưa có một biện pháp thật sự cụ thể nào. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhóm họp tới ba lần nhưng mới chỉ dừng lại ở những phát ngôn kêu gọi các bên kiềm chế, thậm chí không đưa ra được tuyên bố chung.

Với cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden bị đặt trong tình thế khó xử khi vừa phải cân bằng quan hệ đồng minh với Israel, vừa phải xoa dịu sức ép ngày càng gia tăng từ cánh ủng hộ Palestine trong đảng Dân chủ.

Về phía Nga, dù nước này đến nay chỉ tự giới hạn trong các tuyên bố ngắn gọn của Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov kêu gọi các bên bình tĩnh và tránh tấn công dân thường, đây lại là cường quốc có cơ may cao nhất trong việc tháo gỡ căng thẳng hiện tại giữa Israel và Hamas.

Theo tạp chí The National Interest, chính quyền Tổng thống Putin lâu nay vẫn giữ được mối quan hệ đối tác khu vực với Israel tương đối tốt đẹp sau khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria. Moscow hầu như cũng không ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào về lập lại hòa bình ở Trung Đông mà có nội dung gây tổn hại đến lợi ích của Israel. Cùng lúc đó, khác với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Nga chưa bao giờ liệt Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố và đã từng tiếp phái đoàn ngoại giao của lực lượng này để thảo luận về những nỗ lực hòa bình ở Dải Gaza. Với tầm ảnh hưởng trong khu vực và sự tín nhiệm của cả hai bên như vậy, Nga hiện ở trong một vị thế đặc biệt hơn bất kỳ bên thứ ba nào khác.

Trong một hội nghị trực tuyến ngày 17-5, Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali cũng đưa ra nhận định rằng Nga có thể đóng vai trò đáng kể trong việc dàn xếp cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nhờ những liên lạc thân thiết giữa Moscow với hai bên. “Nga có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn lịch sử này, bởi Moscow duy trì liên lạc với các lực lượng ở Palestine và có mối quan hệ tốt với Israel” - ông Jalali cho hay, theo hãng tin TASS.

Nga sẽ tiếp cận xung đột Israel - Hamas ra sao?

Dựa vào các phản ứng hiện tại của Moscow, The National Interest cho rằng Nga hiện không muốn và cũng không có các phương tiện để thực hiện sáng kiến thúc đẩy hay thiết lập các điều kiện hòa bình ở Dải Gaza. Thay vào đó, Moscow sẽ tìm cách tập trung hỗ trợ hoặc hướng các nỗ lực hòa giải của mình theo nội dung của một thỏa thuận hòa bình do một nhóm nước lớn và các tổ chức quốc tế làm trung gian. Đơn cử, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tuần trước đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của Bộ tứ Trung Đông (gồm LHQ, Mỹ, EU và Nga) để giải quyết cuộc khủng hoảng Gaza.

Một ví dụ khác là trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Nga ngày 14-5 về xung đột Israel - Hamas, Tổng thống Putin đã có phát biểu nhấn mạnh rằng ông muốn nghe thêm nhiều ý kiến khác từ lãnh đạo các quốc gia ở Trung Đông trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về vấn đề này.

Nhằm duy trì sự tập trung vào cách giải quyết đa phương ở Trung Đông, Ngoại trưởng Lavrov đã đề xuất mở rộng nhóm Bộ tứ thành một hình thức “4 + 4 + 2 + 1” mới, mà theo đó ngoài bốn thành viên ban đầu sẽ còn có thêm Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Israel, Palestine và Saudi Arabia.

Theo giải thích của ông Lavrov, việc bổ sung các quốc gia trên dựa theo kế hoạch Sáng kiến Hòa bình Arab (API) do Saudi Arabia đề xuất và được các thành viên Liên đoàn Ả Rập thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Lebanon năm 2002. Một số nội dung quan trọng của API bao gồm việc khối Ả Rập sẽ công nhận và bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nước này chịu rút quân chiếm đóng khỏi các vùng lãnh thổ của Palestine, bao gồm khu vực phía đông TP Jerusalem. Israel cũng phải chấp nhận việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.•

Thêm nhiều lời kêu gọi hai bên ngừng bắn

Hãng tin AFP ngày 18-5 cho biết chính quyền ba nước Pháp, Ai Cập và Jordan đã ra tuyên bố chung hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ phải nhanh chóng thông qua một nghị quyết kêu gọi lệnh ngừng bắn chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine tại Dải Gaza.

Tuyên bố nêu rõ Hội đồng Bảo an phải tổ chức bỏ phiếu ngay lập tức về nghị quyết liên quan đến vấn đề vừa đề cập, đồng thời nhất trí phối hợp với LHQ triển khai sáng kiến hỗ trợ nhân đạo cho người dân Palestine.

Trong khi đó, TASS dẫn một số nguồn tin nội bộ cho hay Ai Cập hiện đã cử phái đoàn ngoại giao sang làm việc với giới lãnh đạo Israel về khả năng thiết lập một lệnh ngừng bắn vào ngày 20-5 (giờ địa phương). Các cuộc tiếp xúc với các phe phái Palestine cũng đang được tiến hành nhưng Cairo chưa có kế hoạch đến Gaza do lo ngại các đợt không kích của Israel.

Cùng ngày, 26 ngoại trưởng các nước thành viên EU ra tuyên bố chung kêu gọi triển khai lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, đồng thời khẳng định sẽ đẩy mạnh các hoạt động viện trợ dành cho Gaza. EU trong thời gian tới cũng sẽ phối hợp với Mỹ, Nga và LHQ để tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm giải quyết tận gốc tình trạng bạo lực.

52.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa do các đợt không kích của Israel từ ngày 10-5 đến nay, hãng tin Reuters dẫn nguồn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) ngày 18-5 cho biết. Nhiều cơ sở y tế và một nhà máy khử muối cũng bị hư hại, làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn nước uống sạch cho khoảng 250.000 người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm