Hãng tin CNBC ngày 21-8 dẫn báo cáo tình báo của Mỹ cho biết Nga sẽ tìm kiếm, trục vớt một tên lửa rơi hạt nhân xuống biển Barents sau vụ phóng thử thất bại hồi tháng 11 năm ngoái.
Hoạt động tìm kiếm sẽ có sự tham gia của ba tàu, trong đó một tàu được trang bị thiết bị xử lý phóng xạ có thể bị rò rỉ từ lõi hạt nhân của tên lửa. Tuy nhiên, hiện chưa có lịch trình cụ thể cho hoạt động tìm kiếm này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại lễ duyệt binh Ngày Hải quân Nga tại St.Petersburg năm 2017. Ảnh: CNBC
Báo cáo của tình báo Mỹ không nhắc tới bất cứ nguy cơ có thể xảy ra với sức khỏe con người và môi trường nếu lõi hạt nhân của tên lửa bị phá hủy gây rò rỉ phóng xạ.
Hồi đầu tháng 3, trong bài phát biểu thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp lộ những vũ khí “bất khả chiến bại” Moscow đã phát triển, trong đó có tên lửa hạt nhân kể trên sở hữu tầm bắn không giới hạn, có thể xuyên thủng mọi lá chắn ở bất cứ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay Nga được cho là vẫn chưa phóng thử thành công tên lửa này.
CNBC dẫn nguồn thạo tin cho biết Nga đã tiến hành ít nhất bốn vụ phóng thử tên lửa hạt nhân mới trong thời gian từ tháng 11-2017 đến tháng 2 năm nay nhưng đều thất bại. Theo đánh giá của Mỹ, tên lửa bay xa nhất trong các lần phóng thử này cũng chỉ bay được khoảng 40 km trong vòng hơn hai phút trước khi mất kiểm soát và rơi. Chặng bay ngắn nhất chỉ 8 km trong vòng bốn giây. Trong khi đó, Nga bác bỏ thông tin về các vụ phóng hỏng.
Các vụ phóng thử được tiến hành bất chấp sự ngăn cản của các kỹ sư tham gia chương trình sản xuất rằng hệ thống của tên lửa vẫn chưa hoàn thiện.
Tên lửa hạt nhân mới của Nga được cho là được phát triển từ đầu những năm 2000 và sử dụng động cơ xăng để phóng đi, sau đó chuyển sang động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trong quá trình bay.
Tên lửa Kinzhal của Nga gắn trên tiêm kích MiG-31B. Ảnh: The Aviation Analysis
Các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ cho rằng, nếu Nga thu hồi được quả tên lửa bị thất lạc thì họ sẽ ứng dụng quy trình tìm kiếm này cho các chiến dịch cứu hộ về sau. Hiện chưa rõ các vụ phóng thử khác có bị rơi xuống biển hay không.
Mặc dù báo cáo tình báo của Mỹ không đề cập tới hậu quả tiềm ẩn có thể xảy ra khi lõi lò phản ứng hạt nhân của tên lửa bị hư hại nhưng nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng lo ngại về khả năng rò rỉ phóng xạ sau sự việc này.
“Nếu quả tên lửa bị rơi xuống biển và được thu hồi nguyên vẹn thì về lý thuyết nó sẽ không gây ra ô nhiễm nào. Nhưng tôi nghi ngờ khả điều đó vì khi tên lửa rơi, nó tạo ra một lực tác động rất lớn nên nguy cơ rò rỉ phóng xạ là có thể xảy ra" - Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ (FAS) nhận xét.
Bên cạnh tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat (NATO định danh là Satan 2) và tên lửa siêu thanh Kinzhal còn có ba hệ thống khác, gồm: hệ thống vũ khí laser Peresvet, ngư lôi hạt nhân Poseidon và tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik.
Trong số sáu vũ khí ông Putin giới thiệu là “bất khả chiến bại” hồi tháng 3, nguồn tin riêng nắm trực tiếp các báo cáo tình báo Mỹ của CNBC xác nhận hai vũ khí trong số đó sẵn sàng tác chiến vào năm 2020.