Nga, Ukraine tranh cãi chuyện gỡ mìn ở biển Đen

(PLO)- Nga và Ukraine đang đổ trách nhiệm cho nhau trong việc rải mìn dẫn đến hậu quả là việc di chuyển tàu thuyền bị gián đoạn và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ, nhưng không nước nào chịu dỡ mìn trước.

Theo tờ Financial Times, sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, hải quân Nga nhanh chóng kiểm soát biển Azov và biển Đen, rải mìn để phong tỏa các tuyến giao thông và cảng biển của Ukraine ở hai vùng biển này, tạo lợi thế để tấn công vào Ukraine. Phần mình, Ukraine cũng thả mìn ở vùng biển TP cảng Odessa (thuộc tỉnh Odessa và là TP đông dân thứ ba của Ukraine) để bảo vệ cảng biển còn lại của mình, ngăn Nga đổ bộ vào, theo tờ The Politico.

Hậu quả “đáng sợ”

Hành động của hai nước đã đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi con đường vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine bị chặn đứng hoàn toàn. Cảng Odessa nằm trên biển Đen, là cảng lớn nhất ở Ukraine, là lối vào của 67% hàng nhập khẩu vào Ukraine và là cửa ngõ đưa 65% hàng xuất khẩu của nước này ra thế giới.

“Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông ấy sẽ không sử dụng các tuyến đường thương mại để tấn công Odessa. Ông ta cũng từng nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng sẽ không tấn công Ukraine, vậy mà vài ngày sau đó, nước này đã phát động một “chiến lược quân sự toàn diện” nhằm vào Ukraine. Chúng tôi không thể tin tưởng vào ông Putin” - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba giải thích cho lý do Ukraine không thể rà phá mìn ở Odessa.

Các bãi mìn do Nga và Ukraine rải ở biển Đen đã chặn đứng việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả tình hình hiện tại là vô cùng “đáng sợ”.

Theo Financial Times, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, hơn 90% lượng ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine được xuất khẩu ra toàn thế giới bằng đường thủy, với số lượng lên tới 6 triệu tấn/tháng. Tuy nhiên, ông Markiyan Dmytrasevych, cố vấn bộ trưởng Chính sách nông nghiệp và Lương thực Ukraine, cho biết hiện Ukraine chỉ có thể xuất khẩu tối đa 2 triệu tấn ngũ cốc/tháng.

Ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt trong các hầm chứa của Ukraine tại TP Odessa, một lượng lớn ngũ cốc vốn có thể giúp giảm áp lực của thị trường lương thực toàn cầu nếu chúng được xuất khẩu.

Cảng Odessa ở Ukraine. Ảnh: ODESSA JOURNAL

Tổ chức Hàng hải Quốc tế cho biết hiện có khoảng 80 tàu buôn đang mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, ít nhất 10 chiếc đã bị trúng đạn hoặc bị tấn công.

Nhiều nước đang phát triển phụ thuộc vào nguồn ngũ cốc của Ukraine (như Chad, Ai Cập, Somalia và Lebanon) đều cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lương thực và giá cả tăng. Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực, thực phẩm tại châu Phi - khu vực tiếp nhận 40% lượng ngũ cốc từ Nga và Ukraine đã tăng khoảng 23%.

Ai chịu trách nhiệm gỡ mìn?

Theo kênh CNBC, cả Nga và Ukraine đang đổ trách nhiệm cho nhau trong việc rải mìn dẫn đến hậu quả việc di chuyển tàu thuyền bị gián đoạn và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ. Kiev cáo buộc Nga đặt mìn hải quân thời Liên Xô ở biển Azov và biển Đen nhằm làm gián đoạn việc vận chuyển và cung cấp lương thực ra toàn cầu. Nga đổ lỗi cho Kiev về các bãi mìn xung quanh cảng Odessa.

Phía Ukraine yêu cầu Nga dỡ phong tỏa và rà phá hàng ngàn quả mìn đang trôi nổi ở biển Azov và biển Đen. Nga thì khẳng định hoạt động xuất khẩu có thể khởi động lại ngay sau khi Ukraine dỡ bỏ các bãi mìn khỏi vùng biển cảng Odessa.

Dĩ nhiên, Kiev từ chối vì lo sợ Moscow sẽ tấn công Odessa. Theo Ukraine, nếu rà phá mìn để tàu thuyền có thể đi lại được thì Odessa sẽ “không có sự phòng thủ và do đó tàu chiến Nga có thể sử dụng hành lang an toàn này để tấn công TP cảng lớn nhất” này. Kiev không phủ nhận việc mình sử dụng mìn tại cảng Odessa để bảo vệ TP này khỏi bị Nga tấn công, vì một trong những mục tiêu quan trọng của Nga là giành quyền kiểm soát các cảng dọc theo bờ biển Đen, bao gồm ở Odessa và những cảng dọc biển Azov (như Mariupol) mà Nga đã chiếm giữ.

Ngược lại, phía Nga cáo buộc rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về việc hoạt động xuất khẩu ở cảng Odessa bị chặn, do chính Ukraine đã rải mìn ở Odessa. Hồi tháng 5, Nga cho biết sẵn sàng giúp các tàu thuyền vận chuyển ngũ cốc ra khỏi cảng Odessa, đổi lại, Ukraine phải rà phá toàn bộ mìn ở xung quanh cảng này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow.•

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị giúp khôi phục tuyến đường thủy
ở biển Đen

Đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết nước này đã thống nhất với Liên Hợp Quốc, Nga và Ukraine về việc mở lại các cảng bị Nga phong tỏa ở biển Đen, theo tờ The Guardian. Ankara đề nghị được làm trung gian nhằm mở các hành lang vận chuyển ngũ cốc ra khỏi các cảng của Ukraine. Tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hộ tống các tàu chở ngũ cốc rời các cảng Ukraine.

Tuy nhiên, kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ khó khả thi khi Ukraine cho biết sẽ mất khoảng sáu tháng để có thể rà phá hết các bãi mìn của Nga và Ukraine ở biển Đen, chưa kể Ukraine vẫn lo rằng Nga sẽ tấn công Odessa nếu mình rà phá mìn. Tổng thống Zelensky nói ông cần đảm bảo rằng các tàu Nga sẽ không được phép xuất hiện tại các hành lang an toàn này.

Trong khi đó, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin, ra điều kiện rằng Nga phải được quyền kiểm tra các tàu ra vào các cảng “để đảm bảo rằng chúng không mang theo bất kỳ vũ khí nào vào cảng” mà chỉ chất hàng ngũ cốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới