Vì sao doanh nghiệp thiếu tiền nhưng không dám vay? - Bài cuối

Ngân hàng còn phải cạnh tranh cả chính sách cho vay

(PLO)- Hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay khốc liệt, cho nên các ngân hàng không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn phải cạnh tranh về chính sách cho vay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM câu chuyện vốn vay thời kinh tế biến động, giám đốc phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp (DN) dệt may cho biết: Đúng là lãi suất cho vay đã giảm rất thấp nhưng số lượng hợp đồng mới vẫn chưa hồi phục so với trước.

Khó vẫn chồng khó

Để giảm chi phí đầu vào, công ty buộc phải bán “cắt lỗ” một số mảnh đất để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thay vì dùng vốn vay ngân hàng.

“Hiện công ty đã thoát đáy nhưng trước mắt sức mình có bao nhiêu làm bấy nhiêu, chứ mở rộng đầu tư trong giai đoạn này rất rủi ro” - đại diện công ty thừa nhận.

H1.jpg
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp rào cản về quy trình, thủ tục khi vay vốn, thậm chí bị áp đặt những điều kiện tín dụng bất lợi với thủ tục vay vốn phức tạp, phiền hà. Ảnh: THÙY LINH

Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) gửi Thủ tướng vào tháng 1-2024 chỉ rõ DN đang kiệt sức.

Theo đó, dù lượng đơn hàng bắt đầu khởi sắc nhưng DN đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay và không có tiền duy trì sản xuất.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Việt Âu Mỹ, cho biết: “Lúc kinh tế ổn định, DN làm ăn thuận lợi thì thường được vay cả tín chấp lẫn thế chấp dễ dàng.

Nhưng năm 2023, khi doanh thu của công ty giảm 40%-50%, ngân hàng yêu cầu chúng tôi phải bổ sung tài sản thế chấp đối với khoản vay tín chấp. Nếu không, khoản vay sẽ bị rút lại.

Giai đoạn đó chúng tôi đã khó khăn rồi, việc quy hoạch tài sản thế chấp không thể đáp ứng ngay theo yêu cầu của ngân hàng được. Do đó, việc giảm hạn mức cho vay một cách đột ngột đã đẩy chúng tôi vào tình thế khó chồng khó”.

Gần đây, các DN cũng đã được hưởng lợi từ những chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Nhưng bên cạnh đó, nhiều DN vẫn gặp rào cản về quy trình, thủ tục khi vay vốn. Thậm chí bị áp đặt những điều kiện tín dụng bất lợi với thủ tục vay vốn phức tạp, phiền hà.

Đặc biệt là những DN có quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh khi không tiếp cận được nguồn vốn.

Phải cạnh tranh cả chính sách cho vay

“Nhiều ngân hàng thương mại chỉ thực hiện khoảng 60%-70% chỉ đạo của NHNN” - ông Nguyễn Thanh Tuấn nêu cảm nhận.

“Việc giảm lãi suất đã hỗ trợ DN nhưng ngân hàng vẫn giữ quyền chủ động mức lãi suất cho vay mà không có bất cứ trao đổi, thảo luận nào giữa người đi vay và người cho vay để tìm được tiếng nói chung về lãi suất” - ông Tuấn nói.

cho vay
Hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh lãi suất và cả chính sách cho vay khốc liệt giữa các ngân hàng thương mại. Ảnh: THÙY LINH

Đồng quan điểm về rào cản từ chính sách cho vay, một DN xuất khẩu giày da cho biết: “Thông tư 02/2023 đã tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.

Nhưng thông điệp mà nhân viên tín dụng chuyển đến chúng tôi không phải theo kiểu “DN mình có gặp khó khăn gì không, nếu có thì phía ngân hàng sẽ cùng bàn theo chủ trương cơ cấu lại thời gian trả nợ như chỉ đạo của NHNN…”.

NHNN sẽ tiếp tục theo dõi tăng trưởng tín dụng của tháng 3, quý I và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN PHẠM THANH HÀ

Hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay khốc liệt giữa các ngân hàng thương mại, cho nên các ngân hàng không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn phải cạnh tranh về chính sách cho vay thì mới mong đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chính vì thế, các khách hàng chưa bao giờ đi vay mà thuận lợi như bây giờ.

Nguyên nhân khiến cho vay mảng bán lẻ giảm trong những tháng đầu năm là tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay bất động sản tiêu dùng tiếp tục suy giảm.

Tôi cho rằng phải đến hết quý II, Agribank mới có thể đạt tăng trưởng tín dụng 5%-6%. Và phải đến quý III và quý IV mới có sự phục hồi rõ rệt.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank

Để DN tồn tại và vượt qua khó khăn thì giải pháp tốt nhất phải là nâng cao nội lực bằng cải tiến sản phẩm, dịch vụ, tiết kiệm chi phí đầu vào, không thể dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của vốn vay ngân hàng.

Đại diện một DN ngành gỗ

Thay vào đó, ngân hàng gọi cho chúng tôi: “Anh cố gắng đừng để bị cơ cấu thời hạn trả nợ nhé! Khoản vay cơ cấu thời gian trả nợ thì điểm tín dụng sẽ bị giảm, nhân viên tụi em cũng “chết chùm” theo”.

Do đó, với DN, chừng nào còn muốn vay ngân hàng thì buộc phải tuân thủ tuyệt đối việc trả nợ đúng hạn, không được phép chậm trả nợ dù chỉ một ngày”.

Chia sẻ những khó khăn từ các DN thành viên, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cho biết: Với tình hình khó khăn như hiện nay, DN không vay vì không có hợp đồng hoặc DN vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.

Vì vậy, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ để DN được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay.

Thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên hai lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho DN như thời gian qua.

Từ quan điểm của tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, đánh giá: Hiện nay lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp, thấp hơn cả trước dịch COVID-19, cho nên mặt bằng lãi suất hiện không phải là vấn đề để tác động đến nhu cầu vay nợ của người dân và DN.

Vậy nên chủ trương của Vietcombank sắp tới vẫn là tập trung tăng trưởng tín dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hiện chiếm 35% trong tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.

Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ chủ động thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Cụ thể, “ngoài các hội nghị đối thoại với khách hàng do NHNN tổ chức, Vietcombank cũng chủ động đối thoại với các khách hàng khác nhau để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” - ông Tùng cho biết.

“Ngoài ra, Vietcombank cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các khách hàng cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương và cả nước, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng hàng không, cảng biển, giao thông, năng lượng dầu khí, bất động sản khu công nghiệp. Đồng thời tập trung cho vay với các DN trong nước, DN FDI trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu” - ông Tùng nhấn mạnh.

Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp năm 2024

Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tháng 1-2024 cho biết khả năng tiếp cận vốn của DN trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo.

Cụ thể, nhóm DN ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5). Còn DN trong ngành công nghiệp và nông lâm nghiệp, thủy sản được đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất nhưng điểm số vẫn chỉ ở mức 2,34 - mức tiêu cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm