Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ độc quyền vàng SJC: Rất hợp lý!

(PLO)- Khi có sự bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trên thị trường, giá vàng trong nước sẽ ổn định và tình trạng chênh lệch giá sẽ không còn quá lớn như hiện nay.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp (DN) đáp ứng đủ điều kiện. Ngoài ra, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

“Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá” - NHNN cho biết.

Ngay sau khi có thông tin trên, giá vàng SJC trên thị trường giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng sau hai ngày, về dưới mốc 80 triệu đồng/lượng.

Người dân có thêm lựa chọn, được mua vàng với giá hợp lý

Bình luận về đề xuất mới của NHNN, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Việc NHNN không còn nắm giữ độc quyền thương hiệu vàng SJC cũng như trao quyền nhập khẩu vàng cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giúp cung cầu trên thị trường cân bằng hơn. Đồng thời động thái này cũng giúp kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới (có thời điểm giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng - PV).

Điều này cũng có nghĩa khi có nhiều thương hiệu vàng miếng, nhiều công ty sản xuất sẽ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nguồn cung vàng không bị thắt chặt thì tình trạng vàng miếng không còn bị khan hiếm. Những người có nhu cầu mua vàng để tích lũy làm tài sản phòng ngừa rủi ro sẽ không còn phải bị mua với giá rất đắt đỏ như hiện nay.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cũng nhận định các đề xuất này cho thấy NHNN đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, DN, hiệp hội trong suốt thời gian qua xung quanh câu chuyện quản lý vàng. Cụ thể là lâu nay sự độc quyền về nhập khẩu vàng và thương hiệu vàng miếng SJC của NHNN đã tạo ra sự chênh lệch không chỉ với giá vàng thế giới, mà cả các thương hiệu vàng trong nước khác, dù chất lượng vàng tương đương nhau.

Giá vàng tại thị trường trong nước hiện vẫn chênh lệch quá lớn với vàng thế giới. Ảnh: THÙY LINH

Trước đây, Nhà nước rất lo tình trạng vàng hóa ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng do kinh tế tăng trưởng, đồng nội tệ giữ giá trị tốt, tỉ giá ổn định… nên người dân đã không còn dùng vàng làm phương tiện thanh toán nữa. Nói cách khác, Nghị định 24/2012 đã làm thay đổi quan niệm, nhận thức và thói quen của người dân đối với vàng, không còn xem vàng chỉ là công cụ thanh toán.

Tuy nhiên, thị trường vàng lại đối diện với nhiều vấn đề khúc mắc khác. Vì vàng miếng SJC được sử dụng làm thương hiệu vàng quốc gia nên khi người dân mua vàng tích lũy thì có xu hướng lựa chọn loại vàng đáng tin cậy nhất nhằm đảm bảo an toàn về mặt tài sản cũng như tính thanh khoản. Nhu cầu dịch chuyển nhiều vào vàng miếng SJC nhưng Nhà nước kiểm soát chặt nguồn cung dẫn đến hệ quả chênh lệch giá vàng quá lớn.

“Do đó, việc NHNN có bước đi mạnh mẽ trong việc thay đổi hai trụ cột quan trọng của Nghị định 24/2012, là bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC và cho nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường vàng trở nên hiệu quả và lành mạnh hơn” - ông Phương lý giải.

Cần có lộ trình phù hợp

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đánh giá những đề xuất của NHNN nếu áp dụng vào thực tế sẽ giúp giải tỏa những khúc mắc của thị trường vàng lúc này. Đó là khi không còn độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng trong nước sẽ không còn cao hơn hàng chục triệu đồng so với giá vàng thế giới.

Ông nhấn mạnh: “Khi các DN được trao quyền nhập khẩu vàng, nguồn cung vàng tăng lên giúp cân bằng cung cầu thị trường, cũng như hỗ trợ tốt cho sản xuất, kinh doanh lẫn xuất khẩu vàng nữ trang một cách hiệu quả”.

Cùng quan điểm nhưng TS Đào Lê Trang Anh, ĐH RMIT Việt Nam, khuyến nghị rằng lộ trình mở cửa nguồn cung và xóa bỏ độc quyền vàng SJC nên tiến hành theo từng giai đoạn kèm theo các giải pháp kiểm soát. Qua đó để tránh các rủi ro lên an ninh tiền tệ, tạo ra tình trạng đầu cơ và gây bất ổn cho thị trường vàng.

Bởi theo TS Trang Anh, việc mở cửa thị trường vàng cho nhiều thương hiệu tham gia có thể tạo ra sự biến động lớn trong giá cả vàng, dẫn đến không ổn định và khó dự đoán trong thị trường. Bên cạnh đó, việc loại bỏ độc quyền thương hiệu và tạo điều kiện cho nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng có thể làm tăng niềm tin vào vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị. Điều này có thể thúc đẩy người dân mua và tích trữ vàng hơn để bảo vệ giá trị tài sản của họ.

“Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hiệu quả để giảm thiểu rủi ro với vấn đề này. Đồng thời cần quản lý chất lượng trong sản xuất và kinh doanh vàng để bảo vệ người tiêu dùng cũng như tăng cường sự tin cậy trong thị trường” - TS Trang Anh đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cũng góp ý trong giai đoạn đầu nên tập trung nguồn lực cho vàng SJC trước. Lý do là Nhà nước dễ dàng quản lý nguyên liệu vàng nhập khẩu cũng như dây chuyền sản xuất vàng SJC vẫn do NHNN quản lý sẽ giúp hạn chế nhiều rủi ro.

Sau khi thị trường vàng có sự cân bằng ổn định thì giai đoạn tiếp theo cân nhắc mở rộng phạm vi sản xuất vàng miếng cũng như nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN khác.

Đưa vàng trang sức ra khỏi kinh doanh có điều kiện

Về chủ trương quản lý thị trường vàng, NHNN đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để có thể đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh mua bán vàng trang sức ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện để giúp các DN trong lĩnh vực này phát triển.

NHNN cũng sẽ xem xét điều kiện kinh doanh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mua bán vàng miếng hoặc bổ sung quy định về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và các biện pháp quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

Ông PHẠM THANH HÀ, Phó Thống đốc NHNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới