Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực kể từ ngày 5-12 tới đây.
Cụ thể, các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế. Hoạt động này phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin.
“Hằng tháng, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản” - nghị định nêu rõ.
Cũng theo Nghị định 126, các ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú ở Việt Nam kinh doanh thương mại điện tử, trên các nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước. Theo đó, sau khi xác định nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế…
Mới đây, Tổng cục Thuế cho biết đã kết hợp, yêu cầu 45 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin để ngành có dữ liệu quản lý thuế. Qua đó, cơ quan thuế đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kê khai nộp thuế và truy thu gần 14 tỉ đồng.
(PLO)- Thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế VAT dịch vụ thư tín dụng (L/C) đã phát sinh thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng.