Đình làng An Vĩnh (di tích lịch sử cấp quốc gia) là nơi diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra với hai nội dung chính là lễ tế cổ truyền và hội đua thuyền tứ linh: Long, lân, quy, phụng.
Tại lễ tế cổ truyền, sau khi chủ lễ đọc sớ, lần lượt các tộc họ trên địa bàn xã An Vĩnh có người thân ra Hoàng Sa năm xưa thực hiện nghi lễ cúng tế, rước hình nhân thế mạng và thả mô hình thuyền trôi ra biển.
Ngay sau đó, hàng ngàn người dân, du khách tập trung về bến Đình phía trước Đình làng An Vĩnh xem đua thuyền. Không quản ngại cái nắng gay gắt đầu hè, nhiều người hò hét, cổ vũ các thuyền đua, tạo không khí hết sức náo nhiệt.
Một số hình ảnh lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ngày 20-4:
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa luôn được tổ chức rất long trọng.
Đại diện các tộc họ có người thân là hùng binh Hoàng Sa năm xưa tham gia lễ cúng.
Phần đọc sớ trước khi thả mô hình thuyền gỗ xuống biển.
Sau lễ tế là hội đua thuyền tứ linh, phần mà người dân địa phương mong chờ nhất.
Bốn đội đua qua hoa tiêu.
Bám đuổi quyết liệt.
Hàng ngàn người dân, du khách đội nắng, chen chân xem và cổ vũ thuyền đua.
Theo các sử liệu, đội Hoàng Sa được thành lập trên cơ sở tuyển chọn 70 dân đinh của làng An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi xưa. An Vĩnh là một xã ở của biển Sa Kỳ, nay là địa bàn thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Xã An Vĩnh vào thời điểm Chúa Nguyễn tuyển chọn dân đinh tổ chức ra Hoàng Sa bao gồm hai khu vực cách xa nhau là làng An Vĩnh ở cửa biển Sa Kỳ trong đất liền và phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré (nay là xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn). Công việc tổ chức nhân lực, chuẩn bị hậu cần và mọi mặt cho các chuyến đi Hoàng Sa và Trường Sa đều do Xã trưởng và bộ máy chức dịch trong đất liền và Cù Lao Ré cùng thực hiện. Địa điểm xuất phát cho đội Hoàng Sa tiến ra biển khơi có thể cả ở Cù Lao Ré và cửa biển Sa Kỳ. Đội Hoàng Sa mỗi năm có 70 suất. Đầu thế kỷ XIX trở về sau, 70 suất đi Hoàng Sa và Trường Sa được chia đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, theo nguyên tắc luân phiên nhau. Người con trưởng phải ở nhà lo thờ cúng, tế tự còn người con thứ hai phải đăng lính. Vì thế các tộc họ thuộc xã An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn sau này đều có người đi lính Hoàng Sa. Nhưng những người đi lính Hoàng Sa thuở ấy, không mấy ai còn được trở về. Cho đến nay người dân Lý Sơn vẫn còn tuyên truyền câu ca: Hoàng Sa trời nước mênh mông Người đi thì có mà không thấy về Hoàng Sa mây nước bốn bề Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành một lễ thức văn hóa tâm linh thiêng liêng, sâu sắc trong tâm thức của biết bao nhiêu thế hệ người dân Lý Sơn. |