Tờ Nikkei ngày 8-12 đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật nhắm đến chi tiêu ít nhất 27.000 tỉ yen (hơn 239,5 tỉ USD) trong thời gian từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2024, với mức chi tiêu tăng bình quân 1,1% mỗi năm, vượt mức bình quân 0,8% trong năm năm kết thúc vào tháng 3 tới.
Hiện tại, các khoản chi trả cho thiết bị và nhân lực chiếm khoảng 80% chi tiêu quốc phòng. Theo kế hoạch, kinh phí dành để mua thiết bị mới sẽ được tách khỏi những khoản chi tiêu này, qua đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc mua thiết bị từ Mỹ, theo tờ Nikkei dẫn các nguồn tin không được tiết lộ.
Nhật nhắm đến việc xin nội các phê chuẩn kế hoạch chi tiêu vào giữa tháng này. Hiện Bộ Quốc phòng Nhật chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này, theo báo The Japan Times.
Thủ tướng Shinzo Abe luôn muốn tăng cường sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật. Ảnh: REUTERS
Việc mua thiết bị do Mỹ chế tạo có thể giúp cho Tokyo giảm nhẹ căng thẳng thương mại với Washington, do Tổng thống Donald Trump thúc giục Nhật mua thêm hàng hóa Mỹ, bao gồm thiết bị quân sự, song song với việc đe dọa đánh thuế lên ô tô nhập khẩu từ Nhật nhằm giảm thâm hụt thương mại với Tokyo.
Hồi tháng 8, Bộ Quốc phòng Nhật đã tìm kiếm khoản chi kỷ lục 5,3 ngàn tỉ yen vào năm tới nhằm giúp trang trải cho việc nâng cấp các hệ thống phòng thủ được thiết kế nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, vốn vẫn bị Tokyo xem là một mối đe dọa bất chấp cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Shinzo Abe đã tăng cường lực lượng phòng vệ Nhật nhằm ứng phó với bất kỳ đòn tấn công bằng tên lửa nào của Triều Tiên, cũng như đối phó với sức mạnh đang ngày một gia tăng của Trung Quốc trên các vùng biển xung quanh Nhật.
Nhật vẫn dè chừng với những lời hứa của Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo. Trong Sách trắng được công bố hồi tháng 8, Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định Bình Nhưỡng vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” của đất nước mặt trời mọc.