Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc bị gây khó đến mức dở khóc dở cười khi muốn thăm nom, nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn. Thậm chí không ít trường hợp bị đánh, chửi, đuổi ngay trước mặt con khi tới thăm. Nhiều bạn đọc thắc mắc hành vi ấy có được coi là phạm pháp hay không.
Muôn kiểu ngăn cấm
Mới đây, một người mẹ phải nhờ người quay clip khi chị tới thăm con để làm bằng chứng về việc bị gia đình chồng cũ quyết liệt ngăn cản chị thăm con. Chị NTO (Vĩnh Phúc) cho biết: “Nhà chồng cũ đánh đuổi không cho tôi thăm con, còn dựng chuyện nói xấu để con ghét mẹ. Tôi là mẹ, đã không được nuôi con mà tới thăm cũng bị ngăn cấm. Sự việc cứ kéo dài buộc tôi phải lấy bằng chứng nhằm đòi lại công bằng và làm đơn xin đổi người trực tiếp nuôi con”.
Cùng cảnh, anh NVH (TP.HCM) cũng rơi vào cảnh u uất khi không được gặp con. Vì kinh tế không ổn định, vợ anh đòi ly hôn, giành nuôi hết hai con chung. Từ đó về sau, hễ anh tới thăm là bị cấm cửa dù đã phải nhờ tới chính quyền can thiệp.
Chị Nguyễn Thị Kim Phụng (TP.HCM) lấy chồng ở Đắk Lắk cũng ngậm ngùi: “Chúng tôi ly hôn xong, anh ấy gửi con về nội tận Hưng Yên nuôi dưỡng. Tôi nhiều lần xin được nuôi con để bọn nhỏ có điều kiện ở gần cha hoặc mẹ, song cả gia đình nhà chồng đều không chấp nhận”.
Cản trở quyền thăm con là phạm pháp
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đều có quy định bảo vệ quyền được chăm sóc của cha, mẹ đối với trẻ, quyền được thăm nuôi con của cha hoặc mẹ sau khi ly hôn.
Trong bản án ly hôn của tòa đều có câu “Không ai được ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung”. Người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Chỉ trong trường hợp lạm dụng việc thăm nom để gây ảnh hưởng xấu đến con thì người trực tiếp nuôi trẻ mới có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom của bên kia. Hành vi cản trở quyền thăm con là vi phạm pháp luật và luật cũng quy định các chế tài đối với hành vi này.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, bổ sung: Hành vi ngăn cản, xua đuổi, thậm chí dùng vũ lực không cho cha/mẹ được tiếp xúc, chăm sóc và cấp dưỡng cho con sau ly hôn là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc “ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau” cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điểm d Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Người có hành vi cản trở trên sẽ bị xử phạt theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hình phạt là phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Như vậy, người không trực tiếp nuôi con có thể tố cáo hành vi cản trở đến cơ quan công an hoặc UBND để xử lý. Bên cạnh đó, với chứng cứ về việc bị cản trở thăm con, người này còn có thể khởi kiện để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ tại tòa án nơi cư trú.
Đồng tình, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM (Đoàn Luật sư TP.HCM), phân tích thêm, người làm đơn thay đổi quyền nuôi con phải có bằng chứng chứng minh bị gia đình vợ/chồng cũ ngăn trở việc thăm con và không hoàn thành trách nhiệm nuôi dưỡng con, đồng thời chứng minh được khả năng tài chính và chăm sóc con của chính mình.
ThS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ con trẻ luôn cần có sự nuôi dưỡng, chăm sóc của cả cha và mẹ. Nếu con bị ngăn cản tiếp xúc với cha hoặc mẹ thì sẽ là lỗ hổng, điều đáng lý các con được nhận, sẽ trở thành khiếm khuyết trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Nếu thực sự vì con, người lớn phải vì mục đích chung là tương lai của trẻ, người nuôi dưỡng trẻ phải tách biệt hai vấn đề giữa người lớn với nhau và người lớn với con, đảm bảo quyền lợi con được gặp gỡ, tiếp xúc với cả hai sau khi cha mẹ ly hôn. |