Ngành dệt may TP.HCM đang thu hẹp, mất dần lợi thế

(PLO)- Theo Hội Dệt May Thêu Đan, ở TP Thủ Đức có một khu đất có diện tích 100 hecta có khả năng phát triển thành trung tâm thời trang trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050” do Sở Công thương TP.HCM, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa tổ chức, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cho biết: Tại TP.HCM, ngành công nghiệp dệt may đang dần mất lợi thế, bị thu hẹp, chưa có tính bền vững và sức cạnh tranh cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) tập trung nhiều vào gia công.

TP.HCM chưa có quỹ đất phù hợp

TP.HCM đang tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ cho sản phẩm công nghiệp chủ lực. Do đó, những DN dệt may lớn không còn nhiều động lực để đầu tư, liên kết các DN trong hệ sinh thái cùng gia tăng chuỗi giá trị.

“Nhân hội thảo chúng tôi kiến nghị TP cần bổ sung ngành dệt may vào nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực” - ông Việt nói.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM cần định vị là trung tâm thời trang, phát triển mạnh các khâu đào tạo, thiết kế, biểu diễn, thương mại thời trang cao cấp để dần trở thành khâu có giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị dệt may. Từ đó, giúp ngành công nghiệp thời trang Việt Nam phát triển.

Biểu diễn thời trang tại Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành dệt may, da giày năm 2022 do ITPC tổ chức. N.MÂY

Biểu diễn thời trang tại Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành dệt may, da giày năm 2022 do ITPC tổ chức. N.MÂY

Năm 2022 Chính phủ có Quyết định 1643 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.

Trong đó, việc hình thành và phát triển Trung tâm thời trang tại TP.HCM là một trong những hướng đi nhằm kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược tiếp thị và truyền thông, thúc đầy sự phát triển thời trang dệt may.

“Chúng tôi mong muốn thành lập Trung tâm thời trang thay cho sản xuất truyền thống. Qua đó, sẽ đưa thương hiệu thời trang Việt ra quốc tế, giúp cho các ngành như du lịch, logistics, các dịch vụ khác phát triển. TP.HCM xuất khẩu tại chỗ sẽ giúp TP có nguồn thu, giữ nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Việt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vì quy mô của Trung tâm thời trang rất lớn nên TP chưa tìm được quỹ đất phù hợp.

“Thành phố giới thiệu một vị trí ở Cần Giờ có diện tích đủ lớn nhưng hiện nay chưa rõ cơ chế ra sao. Chúng tôi đang tìm vài địa điểm khác như TP Thủ Đức có một khu đất diện tích 100 hecta có khả năng phát triển trong tương lai” - ông Việt nói.

Cần dữ liệu chung cho ngành chế biến thực phẩm

Ở lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm (LTTP) bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội LTTP TP.HCM cho biết đây là một trong những ngành trọng điểm của TP, đóng góp từ 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.

Mục tiêu tầm nhìn 2030, ngành LTTP trở thành ngành công nghiệp hiện đại phù hợp với các chính sách phát triển hiện nay về công nghệ số, công nghệ xanh, sạch và bền vững…

Ngành chế biến lương thực thực phẩm là một trong những ngành trọng điểm của TP

Tầm nhìn của ngành đến năm 2050 hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ và quy mô lớn. Đồng thời, hình thành những tập đoàn lớn có khả năng cạnh tranh với các công ty đa quốc gia tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Theo bà Chi, để đạt mục tiêu trên về giải pháp cần phải phát triển nhóm doanh nghiệp đầu ngành, cơ sở dữ liệu, vùng nguyên liệu, logistics…

“Hiện nay, các DN chế biến LTTP tại TP.HCM là đầu vào nguyên liệu của các tỉnh ĐBSCL nhưng chưa có dữ liệu chung nên không biết có bao nhiêu tôm, cá… Chúng tôi đang đề nghị cần có dữ liệu chung sẽ giúp kết nối tốt hơn cung-cầu nguyên liệu đầu vào và hàng hóa thành phẩm. Hạn chế tình trạng được mùa mất giá, giải cứu...” - bà Chi nói.

Trung tâm thời trang có thể xem là hệ sinh thái chuỗi cung ứng gồm các chức năng chính như đào tạo, thiết kế, trưng bày, giới thiệu nguyên phụ liệu.

Quảng bá sản phẩm, thương hiệu thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và bảo tàng.

Kết nối giao thương thông qua trung tâm kinh doanh sản phẩm thời trang và kích cầu du lịch.

Khi đi vào hoạt động đầy đủ các chức năng, Trung tâm thời trang có khả năng thu hút 2 triệu lượt khách mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10%-15%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm