Ngành điện có trách nhiệm lớn với xã hội, đối mặt nhiều thách thức

(PLO)- Từ Nhà máy đèn Bờ Hồ ban đầu thô sơ, EVNHANOI nói riêng và ngành điện Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, bền vững, xứng tầm khu vực. Tuy nhiên, ngành điện cũng đối mặt với nhiều thách thức, là ngành có vị trí trọng yếu của nền kinh tế và đời sống người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-12 Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã tổ chức chương trình hội thảo “Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ”.

Hội thảo diễn ra đúng ngày kỷ niệm 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ ra đời, cơ sở điện lực đầu tiên của Hà Nội gắn liền với sự nghiệp hình thành, phát triển của ngành điện sau này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc lại vai trò của ngành điện đối với nền kinh tế - xã hội. Theo ông Hoàng Trung Hải, điện là mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất khác, góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngành điện có trách nhiệm rất nặng nề trong quá trình phát triển của đất nước nhưng cũng chịu áp lực từ việc kiểm soát giá cả đầu vào để các ngành khác cạnh tranh trong quá trình sản xuất hàng hóa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại hội thảo “Tiếp dòng di sản - 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ”. Ảnh: TH

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại hội thảo “Tiếp dòng di sản - 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ”. Ảnh: TH

Đặc biệt, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, nhiều nước trên thế giới cắt giảm nguồn năng lượng, một số nước thiếu điện nhưng ngành điện Việt Nam vẫn bảm đảm được nguồn điện ổn định, an toàn là điều đáng ghi nhận.

Tuy vậy, ông Hoàng Trung Hải cho rằng, các thế hệ ngành điện không được tự thỏa mãn với những gì đã làm được mà quá trình phát triển nên thường xuyên so sánh với các quốc gia trên thế giới, cập nhật tình hình thế giới để có những chiến lược hợp lý. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành điện đi sau làm tốt hơn thế hệ trước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, Hải Phòng là nơi có nguồn điện sớm nhất nhưng Hà Nội là nơi có cơ sở điện lực theo nghĩa công nghiệp đầu tiên, gắn liền với sự nghiệp hình thành, phát triển của ngành điện Việt Nam sau này. Nhà máy đèn Bờ Hồ ra đời tạo ra một đội ngũ công nhân công nghiệp điện. Họ cũng đã tham gia vào các phong trào cách mạng của Việt Nam.

Ông Dương Trung Quốc dẫn lại sự kiện ngày 21-12-1954, mặc dù rất bận việc nước nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Bác Hồ căn dặn: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô các chú. Các cô các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa”.

Ông Dương Trung Quốc nhìn nhận những lời nói đó của Bác Hồ tuy giản dị nhưng vô cùng ý nhị, để gìn giữ và phát triển mạch nguồn điện đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả ngành điện từ góc độ kinh tế, kỹ thuật…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Huy Cường, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, EVNHANOI đã từng bước phát triển vững vàng và không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Các mặt cung ứng điện, chất lượng chăm sóc khách hàng, chất lượng dịch vụ điện được đáp ứng ở mức cao nhất cho Thủ đô Hà Nội.

EVNHANOI cũng đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, thu hẹp và tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến về năng suất lao động. Lãnh đạo EVN đề nghị EVNHANOI tiếp tục tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong khách hàng và xã hội.

Cách đây 130 năm, Nhà máy Đèn Bờ Hồ ra đời theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Điện khí Đông Dương và Đốc lý Hà Nội ngày 6-12-1892.

Tháng 7-1894, Xưởng phát điện Hà Nội hay còn gọi là Nhà máy đèn Bờ Hồ được người Pháp khởi công tại phố Prancis Garnier (nay là 69 phố Đinh Tiên Hoàng, trụ sở EVNHANOI). Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà máy đèn Bờ Hồ được chính quyền cách mạng tiếp quản và trở thành cái nôi của ngành Điện lực Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm