Ngành dược TP.HCM: Cứ nhập nguyên liệu về rồi dập viên!

Sự phát triển của ngành dược TP.HCM theo nhận định của các chuyên gia là rời rạc. Công nghệ hóa dược được xem là con số không (kể cả chính sách phát triển, đầu tư và thị trường tiêu thụ đầu ra). Tất cả nhà máy chủ yếu là nhập nguyên liệu hóa dược về, gia công thành thuốc và bán lại. Nếu có sản xuất nguyên liệu hóa dược thì từ lỗ cho đến… phá sản! Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) tại cuộc họp với Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP.HCM mới đây bàn về chủ đề phát triển ngành hóa dược TP.HCM.

Bỏ DN tự bơi

Dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Giám đốc Công ty Dược Mekophar, cho biết công ty là đơn vị đầu tiên của cả nước sản xuất nguyên liệu kháng sinh Ampicilin trihydrate, Amoxicilin trihydrate. Trước đó, nguyên liệu hai loại kháng sinh này không có trên thị trường Việt Nam, phải nhập với giá 80 USD/kg. Công ty lên kế hoạch sản xuất, xây dựng giá thành là 54 USD/kg (sau đó tiếp tục hạ). Nhưng khi sản xuất thì gặp khó khăn ngay vì bị nguyên liệu Trung Quốc, Ấn Độ cạnh tranh gay gắt. Giá nguyên liệu hóa dược của Trung Quốc, Ấn Độ đột ngột hạ 26-27 USD/kg nên Mekophar cạnh tranh không nổi. Những chính sách của Nhà nước cũng không hỗ trợ được gì cho DN.

“Nếu Mekophar bỏ sản xuất nguyên liệu kháng sinh thì những DN khác trong nước cũng không thể làm được, bởi Mekophar dùng nhà máy thành phẩm của mình để hỗ trợ đầu ra và sẵn sàng sản xuất không có lời” - bà Lan nói.

Ngành hóa dược trong nước không được chú ý đầu tư phát triển, các DN chủ yếu là mua nguyên liệu về gia công thuốc. Ảnh: TÙNG SƠN

Tuy vậy, sau đó Nhà nước có đề nghị công ty làm thêm nhà máy mới sản xuất kháng sinh Cephalexin. Công ty lập dự án từ năm 2009 đến 2011 và đề nghị sự hỗ trợ của các ban ngành trong nước. “Vào cuộc họp thì ai cũng đồng ý hỗ trợ (các bộ Công Thương, Y tế, Tài chính) nhưng một tháng sau họp lại thì y như cũ. Công ty họp năm lần với một phó thủ tướng, phó thủ tướng có chỉ đạo nhưng khi về các bộ thì đâu lại vào đấy. Lần cuối cùng kiến nghị không được đáp ứng, chúng tôi xin rút và xin chuyển giao dự án cho ai đó nếu họ nhận” - bà Lan cho biết thêm.

Bà Lan cũng đặt vấn đề: “Nhà máy đầu tiên hoạt động gần 18 năm nhưng không hề có một chính sách hỗ trợ nào hết thì làm sao nhà máy mới này tôi tin là có chính sách được!”.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Dược BV Pharma cho biết họ là đơn vị duy nhất sản xuất nguyên liệu kháng virus chiết xuất từ lá xoài nhưng trục trặc ngay từ đầu ra vì các cơ sở khám, chữa bệnh không mua. Mong muốn của công ty là Nhà nước có chính sách khuyến khích các bệnh viện tăng cường sử dụng các sản phẩm nguyên liệu thiên nhiên này.

“Thế thì làm ra để làm gì?”

Dược sĩ Trịnh Đào Cung, Tổng Giám đốc Công ty Yteco, cho rằng công nghệ hóa dược của Việt Nam gần như không có, nếu có thì cũng không ai muốn làm. “Tại sao vậy, vì hiện nay những nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP được tự nhập nguyên liệu sản xuất. Như vậy, nếu như nhà máy đầu tư nghiên cứu công nghệ hóa dược thì giá thành đầu ra sẽ cao hơn so với nguyên liệu nhập trực tiếp. Thế thì làm ra để làm gì?” - ông Cung đặt vấn đề.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng sản xuất nguyên liệu hóa dược là điểm yếu nói chung của ngành dược cả nước nói chung và TP nói riêng. “Nhưng việc đầu tư vào hóa dược rất khó khăn, chỉ một vài đơn vị làm được. Do vậy, TP cần đầu tư vào lĩnh vực cho giá trị gia tăng nhiều hơn, đó là lĩnh vực nguyên liệu đi từ hợp chất thiên nhiên như dược liệu, điển hình thành công như BV Pharma đã làm. Thứ hai là phát triển về công nghệ sinh học, tái tổ hợp gen để ra những thuốc thế hệ mới” - PGS Lan nói.

Theo ông Cung, nếu biết tập trung lại thì ngành dược TP cực kỳ mạnh. “Để có một công nghệ hóa dược phát triển mạnh thì phải có giải pháp nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và nhà phân phối liên kết nhau” - ông Cung đề nghị. PGS-TS Trần Hùng, Trưởng khoa Dược - ĐH Y dược TP.HCM, kiến nghị: “Nếu Nhà nước coi đây là an ninh dược phẩm thì phải đầu tư và có chính sách bảo hộ”.

Đất nước ta có nguồn dược liệu phong phú, tôi nghĩ chúng ta nên theo hướng phát triển nguyên liệu từ dược liệu thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải là dùng dược liệu để nấu cao như hiện nay mà là phải trồng dược liệu sạch, có phân tích, đánh giá (chứng minh) các hoạt chất theo tiêu chuẩn thế giới.

GS LÊ VĂN TRUYỀN, chuyên gia dược học cao cấp,
nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

25 Đây là số nhà máy sản xuất tân dược đạt chuẩn GMP-WHO trên địa bàn TP.HCM, trong khi cả nước có 123 nhà máy GMP và bốn nhà máy sản xuất vaccine. Về kinh doanh, TP.HCM có 1.033 công ty phân phối, hơn 5.000 nhà thuốc và các đại lý thuốc ở vùng sâu, vùng xa. Ngành dược phẩm tại TP.HCM được xem là lớn mạnh nhất nước. Tuy nhiên, công nghệ hóa dược là con số không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới