Sáng 5-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (6-5-1951 – 6-5-2021) và đón nhận huân chương Lao động hạng Nhất.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những thành tích đáng tự hào của ngành ngân hàng trong 70 năm qua. Ảnh: CL
Bước ngoặt lịch sử
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay: 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập NH Quốc gia Việt Nam, tiền thân của NHNN ngày nay.
“Sự ra đời của NH Quốc gia Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử. Đây là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới, thay đổi về chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta” - bà Hồng nói.
Trong kháng chiến chống Pháp, dấu ấn của NH Quốc gia Việt Nam là “NH không khóa” và những “kho tiền nằm trong nhân dân” nhằm huy động toàn bộ sức người, sức của cho kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, hoạt động của NH Quốc gia Việt Nam tập trung vào việc góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc và chi viện cho miền Nam.
Cũng vì vậy, có hàng trăm cán bộ NH đã ngã xuống, gửi lại thanh xuân cho đất nước. “Thời kỳ ấy, NH Quốc gia Việt Nam cùng những chiến sĩ NH hoạt động bí mật đã lập nhiều chiến công, kỳ tích tuy thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng, tạo nên một con đường huyền thoại, đó là “con đường tiền tệ” chi viện nguồn lực tài chính cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta” - bà Hồng ôn lại.
Sau chiến tranh, NHNN Việt Nam đã phát hành các loại tiền mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc kinh tế đất nước ngành NH đã từng bước đổi mới, hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành.
Điều này góp phần quan trọng đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh, thực hiện tốt vai trò chu chuyển vốn trong nền kinh tế; ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ NH, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
“Trong chiến tranh cũng như hòa bình, trong dựng xây cũng như đổi mới, phát triển và hội nhập, toàn ngành NH luôn nỗ lực và cống hiến hết mình, góp phần quan trọng vào thành tựu đáng tự hào của ngành và đất nước nói chung” - bà Hồng nói.
Thống đốc cũng cho hay NHNN đang thực hiện tái cơ cấu và củng cố hệ thống NH hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế.
Bắt kịp với xu hướng phát triển mới
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Ngành NH là ngành đặc biệt quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế”.
Tổng bí thư ghi nhận những thành tích đáng tự hào của ngành NH trong 70 năm qua. Ngành NH có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững; góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta như ngày nay.”
NHNN cũng đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách, biện pháp sáng tạo, có tính khả thi cao. Qua đó để quản lý, vận hành có hiệu quả thị trường tiền tệ và hoạt động NH an toàn, ổn định, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Có một số nhiệm vụ Tổng bí thư giao cho ngành trong thời gian tới. Đầu tiên là phải thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là định hướng “điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối”.
Ngành NH là ngành đặc biệt, kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, ngành NH cần phải đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống.
“Ngành NH cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh, phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới; phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới” - Tổng bí thư nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất từ lãnh đạo Chính phủ
Huyền thoại về “con đường tiền tệ” Theo NHNN, từ giữa thập niên 1960, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, việc đưa viện trợ vật chất vào Nam, cả bằng đường Trường Sơn lẫn đường biển đều khó khăn hơn. Bộ Chính trị đã giao cho ông Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách vấn đề chi viện miền Nam. Đến năm 1965, ông Phạm Hùng đã đề xuất với Bộ Chính trị lập riêng tại miền Bắc “Quỹ ngoại tệ đặc biệt”, mật danh là B.29 lấy từ các nguồn viện trợ quốc tế để trực tiếp chi viện cho miền Nam. Để phối hợp với B.29 ở ngoài Bắc, trong Nam cũng thành lập Ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Xứ ủy, sau này là Trung ương Cục miền Nam, mật danh là N.2683, do ông Nguyễn Văn Phi làm trưởng ban, ông Lữ Minh Châu làm phó ban. Ban đầu, việc vận chuyển từ Bắc vào Nam được thực hiện theo phương thức chuyển tiền mặt trực tiếp, gọi là AM. Tiền được đặt trong những hòm kẽm chống cháy, cho vào thùng gỗ ngụy trang được vận chuyển bằng ô tô tải của Đội C100 thuộc Đoàn 559 chạy dọc đường Trường Sơn. Sau này có những đợt vận chuyển bằng tàu hai đáy trên biển. Sau một thời gian dài quỹ ngoại tệ đặc biệt B.29 đã chuyển hướng vận chuyển qua đường ngoại giao bằng hàng không. Đầu năm 1970, trước tình thế cam go, thử thách, cán bộ N.2683 đã nảy ra ý tưởng sử dụng chính hệ thống NH của chế độ Sài Gòn đã kết nối với thế giới để chuyển tiền cho cách mạng. Phương thức này là chuyển khoản, gọi tắt là FM. Bên cạnh sự chi viện về tài chính, Trung ương đã cử hàng trăm cán bộ NH tăng cường cho chiến trường miền Nam, gọi là B68. |