Ngành TN&MT quyết liệt triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số

(PLO)- Bộ TN&MT đã xây dựng xong bốn dữ liệu thành phần, tất cả 63 tỉnh, TP đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.

Sáng 5-12, tại TP Cần Thơ, Bộ TN&MT tổ chức hội nghị Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh Tài nguyên và Môi trường năm 2024.

Ngành TN&MT quyết liệt triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quý Kiên-Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết thời gian qua bộ đã quan tâm và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, dự án lớn về chuyển đổi số. Theo đó, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT, trọng tâm là cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia.

Video: Hội nghị chuyển đổi số, chuyển đổi xanh Tài nguyên và Môi trường năm 2024.
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại hội nghị Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh Tài nguyên và Môi trường năm 2024. Ảnh: CHÂU ANH

Các đơn vị ngành TN&MT đã quyết liệt, tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, vận hành Chính phủ, Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đạt được những kết quả đáng quan trọng.

Cụ thể, cơ chế chính sách dần hoàn thiện, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành có chuyển biến quan trọng, đồng bộ, thống nhất, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính của ngành được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như nhận thức về chuyển đổi số ở một số cơ quan đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; một số lãnh đạo, người đứng đầu trong ngành TN&MT chưa thực sự quyết liệt, quan tâm, thực hiện chuyển đổi số.

Công tác xây dựng chính sách, quy định cho chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn, các quy trình làm việc nội bộ, hồ sơ, thủ tục... chậm được chuyển đổi thực sự trên môi trường số, vẫn còn nhiều công việc gắn với giấy tờ.

“Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tuy đã ở mức độ cao nhưng cần tiếp tục cải thiện nhiều mặt để tăng tỉ lệ toàn trình, tiến tới thực hiện cấp phép tự động dựa trên dữ liệu. Từ đó, tạo thuận lợi và làm hài lòng người dân, doanh nghiệp để tăng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến” - Thứ trưởng Bộ TN&MT lưu ý.

Năm 2023, tỉ lệ bằng sáng chế xanh của Việt Nam chỉ chiếm 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế tại các thị trường mới nổi, thấp hơn Malaysia, Thái Lan và Philippines. Điều này phản ánh rõ ràng những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong việc chuyển đổi kép - kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Việt Nam cần tập trung đầu tư vào công nghệ xanh và nâng cao năng lực xanh, trong đó việc phát triển nhân lực xanh là yếu tố then chốt. Chỉ riêng việc kiểm kê khí carbon và đào tạo doanh nghiệp về báo cáo và xác nhận carbon đã đòi hỏi chi phí rất lớn.

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, địa phương luôn coi trọng và ưu tiên thực hiện các chiến lược chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay địa phương đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: CHÂU ANH

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến việc áp dụng các công nghệ số trong nông nghiệp, giao thông và quản lý tài nguyên môi trường.

“Với nỗ lực không ngừng nghỉ mà người dân và chính quyền thực hiện, TP Cần Thơ được vinh dự nhận danh hiệu "Thành phố Xanh Quốc gia năm 2024", do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) trao tặng. Đây là lần thứ hai TP Cần Thơ tham gia chương trình và đạt được nhiều kết quả tích cực, được ghi nhận rất cao từ cộng đồng quốc tế” - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thông tin.

Ông Hè cũng cam kết thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ TN&MT, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo ra một môi trường sống và làm việc bền vững, thông minh.

Các địa phương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai

Theo báo cáo, đến nay Bộ TN&MT đã xây dựng xong bốn dữ liệu thành phần gồm dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.

Tính đến thời điểm này, tất cả 63 tỉnh, TP đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Có 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội nghị được nghe các tham luận về công tác chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử; kết quả đề án 06 của Chính phủ... Ảnh: CHÂU ANH
Đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: CHÂU ANH

Qua đánh giá, dữ liệu đất đai đã được các địa phương xây dựng, làm sạch thường xuyên, liên tục, đưa vào sử dụng ngay. Từ đó, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân, tránh lãng phí TN&MT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số TN&MT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến trang thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng số; kinh phí dành cho chuyển đổi số... Đồng thời, việc sử dụng sơ sở dữ liệu trong công tác, chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế, dẫn đến dữ liệu không đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

Việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu còn yếu, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận dữ liệu. Một số nơi còn cát cứ dữ liệu, không chia sẻ sử dụng hoặc không chia sẻ được dữ liệu” - ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) đánh giá.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu được nghe nhiều tham luận về công tác chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử; kết quả đề án 06 của Chính phủ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới