Ngành tư pháp TP.HCM: Làm tốt vai trò “gác cửa” văn bản pháp luật

Sáng nay (1-2), Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Trong năm qua, ngành tư pháp TP đã có nhiều nỗ lực trong cải tiến quy trình thủ tục, tăng cường kiểm soát các hoạt động bổ trợ tư pháp, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ban hành trên địa bàn TP… và đã đạt được những kết quả quan trọng trong các lĩnh vực công tác. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP, xung quanh những vấn đề này.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết: Trong năm qua, riêng Sở Tư pháp giải quyết 7.235 hồ sơ về hộ tịch, quốc tịch (kết hôn, khai sinh, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, cải chính hộ tịch, công nhận cha, mẹ, con…); cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 31.747 hồ sơ yêu cầu; bảy phòng công chứng đã giải quyết 222.835 hồ sơ công chứng, thu phí 126 tỉ đồng; xử lý 391 trường hợp vi phạm hành chính trong các lĩnh vực công chứng, luật sư và hộ tịch…

Kiểm tra hàng trăm văn bản

. Vai trò quan trọng của ngành tư pháp là “gác cửa” tham mưu cho UBND trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong năm qua, ngành tư pháp TP đã thực hiện nhiệm vụ này thế nào, thưa giám đốc?

+ Bà Ung Thị Xuân Hương (ảnh): trước hết, chất lượng và số lượng VBQPPL mà Sở Tư pháp đã dự thảo, góp ý, thẩm định, tư vấn tuy có tăng lên so với năm trước nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu thẩm định 100% văn bản pháp luật ban hành. Vai trò thẩm định văn bản không chỉ ở mức độ kỹ thuật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các VBQPPL của cấp trên mà chú trọng đi vào chiều sâu, đánh giá tác động kinh tế-xã hội và mức độ khả thi của quy định mới, nhất là trong những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân như nhà đất, chính sách an sinh xã hội…

Qua nghiệp vụ kiểm tra 93 văn bản do UBND TP ban hành Sở Tư pháp đã phát hiện và đề xuất xử lý bốn văn bản không phù hợp (hủy bỏ một, sửa đổi, bổ sung hai và đính chính một); kiểm tra 237 văn bản do UBND quận, huyện ban hành đã xác định 89 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (81 văn bản vi phạm về thể thức, trình tự, thủ tục; tám văn bản vi phạm nội dung); còn rà soát 392 văn bản pháp luật các năm trước cũng phát hiện, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế 100 văn bản.

. Kết quả đạt được của ngành tư pháp TP trong năm qua là khá lớn. Vậy có điều gì khiến bà chưa yên lòng?

+ Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn. TP chỉ có thể sửa đổi, điều chỉnh 191 thủ tục trong thẩm quyền, còn hơn 2.000 thủ tục hành chính phải thực hiện theo quy định của bộ, ngành cấp trung ương. Những vấn đề không phù hợp, phát sinh vướng mắc thì TP chỉ có thể kiến nghị và chờ điều chỉnh chung cả nước.

Người dân phường 10, quận Phú Nhuận (TP.HCM) được đón tiếp niềm nở khi đến làm thủ tục  theo mô hình “một cửa” liên thông hộ tịch - hộ khẩu - BHYT. Ảnh: BM

Ngoài ra, Sở Tư pháp vẫn chưa hoàn thành mục tiêu thẩm định 100% VBQPPL ban hành trên địa bàn TP, do một số sở-ngành chưa làm đúng quy trình, chưa chuyển văn bản để thẩm định kịp thời. Cũng còn một số quận, huyện ban hành văn bản sai kỹ thuật phải chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn những trường hợp trễ hạn do cá nhân di chuyển, cư trú qua nhiều tỉnh, thành hoặc ra nước ngoài nên mất nhiều thời gian đợi kết quả xác minh từ các địa phương khác gửi về…

Không để dân đến rồi về “tay không”

. Như bà nói thì việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân vẫn còn tình trạng trễ hạn. Vậy Sở có giải pháp gì khắc phục điều này?

+ Khi hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia hoàn thành thì mới có thể khắc phục hoàn toàn. Tuy vậy, trong khả năng của mình, Sở đã ký hợp đồng kết nối tổng đài SMS với hệ thống in phiếu lý lịch tư pháp. Trước ngày hẹn trả kết quả, nếu hồ sơ chưa hoàn thành thì tổng đài SMS sẽ tự động gửi tin nhắn đến số điện thoại của người dân thông báo “hồ sơ quý khách chưa có kết quả vì đang xác minh…”. Như vậy, người dân đỡ mất thời gian, công sức đi đến Sở Tư pháp rồi về “tay không”. Khi nào có phiếu lý lịch tư pháp, người dân sẽ nhận được tin nhắn mời đến nhận. Người dân cũng có thể chủ động nhắn tin mã số hồ sơ đến tổng đài 8183 để biết kết quả sớm và đến nhận phiếu lý lịch tư pháp.

Năm 2013, Sở Tư pháp sẽ triển khai thêm dịch vụ chuyển phát nhanh phiếu lý lịch tư pháp đến tận nhà. Người dân có thể lựa chọn hình thức nộp phí bưu điện để đỡ mất thời gian đi lại nhận kết quả. Giải pháp này cũng thuận tiện và tiết kiệm chi phí hơn đối với người ở những huyện xa hoặc ở tỉnh khác.

. Xin cảm ơn bà.

Hơn 600 người được nhập quốc tịch Việt Nam

Sắp tới trên toàn địa bàn TP sẽ thực hiện thủ tục “một cửa” liên thông hộ tịch - hộ khẩu - BHYT, thời gian làm hồ sơ chỉ còn 11 ngày so với trước đây là 26 ngày.

Trong năm 2012, nhiều hoạt động tư pháp phục vụ dân sinh triển khai trên địa bàn TP.HCM đã được người dân đánh giá tích cực. Trong đó đáng lưu ý là thủ tục “một cửa” liên thông hộ tịch - hộ khẩu - BHYT được thí điểm tại một số quận trong năm 2012 và vừa được UBND TP phê duyệt triển khai toàn TP trong năm 2013. Theo đó, người dân không cần phải đi lại nhiều lần (đến UBND phường làm khai sinh, qua công an nhập hộ khẩu, rồi quay lại phường lấy thẻ BHYT), mà chỉ cần nộp hồ sơ tại UBND phường-xã, thị trấn và đến hẹn sẽ nhận: khai sinh, thẻ BHYT và hộ khẩu vừa đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh. Thời gian làm hồ sơ rút ngắn còn 11 ngày so với nhóm thủ tục cũ mất đến 26 ngày. Tương tự, nhóm thủ tục liên thông khai tử - cắt hộ khẩu sẽ chỉ cần sáu ngày.

Ngoài ra, Sở đã rà soát chuyển Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước nhập quốc tịch Việt Nam cho 629 người không có quốc tịch đã cư trú ổn định tại TP trên 20 năm. Có quốc tịch Việt Nam, họ sẽ được hưởng các quyền công dân, có giấy tờ tùy thân, dễ xin được việc làm ổn định, hưởng các chính sách an sinh xã hội, đời sống khá hơn so với lao động tự do bấp bênh, đứng tên sở hữu tài sản nhà đất, xe, đăng ký kinh doanh…

Ngành tư pháp TP cũng đã thí điểm thành công chế định thừa phát lại, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân, tạo tiền đề quan trọng để QH thông qua Nghị quyết tiếp tục thí điểm chế định này đến hết năm 2015 và mở rộng thí điểm ở các tỉnh, thành phố khác. Đây là bước tiến quan trọng đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp, xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực công chứng cũng có chương trình phòng, chống giấy tờ giả tập huấn cho các tổ chức hành nghề công chứng những kinh nghiệm nghiệp vụ phát hiện giấy tờ giả, rà soát kẻ gian giả mạo gia chủ. Đồng thời, nâng cấp chương trình nối mạng nội bộ công chứng, trang bị thêm nhiều công cụ cảnh báo rủi ro đa chiều: truy xuất nguồn gốc bất động sản, lịch sử giao dịch… để hỗ trợ công chứng viên phát hiện những hợp đồng bất thường.

Bớt gánh nặng thủ tục

. Để khắc phục những tồn tại và tăng cường hiệu quả hoạt động, ngành tư pháp TP đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì trong năm 2013, thưa giám đốc?

+ Nhằm tạo bước đột phá về chất lượng ban hành VBQPPL, ngành tư pháp sẽ tập trung thẩm định tính khả thi, hợp lý của những dự thảo quy định mới, nhất là các văn bản nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP. Đồng thời tạo cơ chế thống nhất, gắn kết giữa xây dựng quy định pháp luật và thi hành pháp luật.

Trong sáu tháng đầu năm 2013, UBND TP sẽ hoàn tất chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính về Sở Tư pháp. Như vậy sắp tới, Sở Tư pháp sẽ tăng cường thực thi nhiệm vụ mới để cắt bớt gánh nặng thủ tục và giảm tối đa chi phí cho người dân và doanh nghiệp; cải thiện chất lượng thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó cũng sẽ tập trung nguồn lực xây dựng đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

BÌNH MINH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới