Với sức tiêu thụ khoảng 300 – 400 tấn/năm, chiếm 80% thị phần tiêu thụ toàn cầu, Trung Quốc đang trở thành "miền đất hứa" cho ngành yến sào của Việt Nam, khi nước này đã mở hạn ngạch cho ngành yến nước ta lên tới 100 tấn/năm.
Thế nhưng tới nay ngành yến sào Việt Nam vẫn dè dặt bước bởi nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được.
Ngành yến sào còn xa giấc mơ tỉ USD
Ông Hồng Đình Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 9 doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch yến sào qua Trung Quốc, với hạn ngạch lên tới 100 tấn/năm. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2024, lượng yến xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 2 tấn, với giá trị thu về 2,3 triệu USD.
Đây là con số khá ít ỏi so với hạn ngạch mà Trung Quốc đưa ra cũng như công suất thu hoạch tổ yến của Việt Nam.
Nguyên nhân được ông Khoa chỉ ra ngoài vấn đề thị trường mới, kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ, thì doanh nghiệp còn gặp khó trong thủ tục xin xác nhận nguồn gốc nguyên liệu.
“Mặc dù yến sào là sản phẩm của nông nghiệp, nhưng lại liên quan mật thiết tới quy định trong luật xây dựng khi làm nhà yến. Có một thực trạng đáng tiếc hiện nay là có hơn 90% nhà nuôi yến ở Việt Nam đang xây dựng không đúng theo quy định của Bộ Xây dựng. Trong khi đó các nhà yến này lại có khả năng cung ứng sản lượng lớn tổ yến phục vụ xuất khẩu.
Dù chính quyền địa phương cấp xã, huyện vô cùng hỗ trợ ngành nhưng vì vướng luật xây dựng, nên họ lại rụt rè và không dám xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, để hoàn thành hồ sơ tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này cũng là lý do mà ngành yến sào chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu, dù nguồn nguyên liệu rất sẵn sàng”- ông Khoa nói.
Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào tỉnh Phú Yên, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty Việt Nam Quốc Yến- là một trong những đơn vị xuất khẩu yến chính ngạch qua Trung Quốc cũng nhìn nhận hiện nay, trong Nghị định 13 năm 2020 của Chính phủ, hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi cho phép nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu không phù hợp quy định về vùng nuôi chim yến thì giữ nguyên trạng, không được cơi nới.
“Luật có đã có nhưng một số địa phương vẫn đang áp dụng quản lý yến như cách quản lý các động vật khác như... heo, bò. Điều này khiến cho việc truy xuất nguồn gốc trở nên khó khăn. Chính vì thế, cần phổ biến quy định này đến các cấp chính quyền địa phương để cán bộ thực thi mạnh dạn trong việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu" - ông Khiêm nhấn mạnh.
Gặp khó vì phần mềm về truy xuất nguồn gốc
Ngoài vấn đề truy xuất nguồn gốc, ông Phạm Duy Khiêm cho biết, sở dĩ ngành yến Việt Nam có khả năng cung ứng lên tới 150 - 200 tấn nguyên liệu thô/năm, nhưng chỉ xuất 2 tấn/6 tháng đầu năm là do những điều kiện khách quan đến từ nước bạn.
Đơn cử, hiện nay phần mềm về truy xuất nguồn gốc của nước ta và Trung Quốc chưa đồng nhất với nhau, dẫn tới thông tin hàng hóa Việt Nam cập nhật lên, nước bạn chưa đồng ý và yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần, tốn rất nhiều thời gian.
“Phía bạn đòi hỏi một phần mềm truy xuất có đầy đủ và chi tiết về quy chuẩn nguồn gốc rất cao từ địa chỉ nhà yến, vị trí tổ yến, tới ngày giờ thu hoạch và rất nhiều thứ khác. Trong khi hiện nay phần mềm này ở nước ta vẫn đang nỗ lực cải tiến từng ngày, cần rất nhiều thời gian từ quá trình đóng gói ở Việt Nam tới xuất khẩu qua nước bạn”- ông Khiêm nói.
Chưa kể, theo ông Khiêm, hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu yến còn đứng trước bài toán “xổ số” của kết quả xét nghiệm thành phần tổ yến.
Nói rõ hơn, ông Khiêm nêu: “Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp đã test (kiểm tra) rất kỹ chất lượng, nhất là các quy định về thành phần mà Trung Quốc đưa ra. Việc test này không dưới 2 lần/lô hàng, ngay từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào tới khi ra thành phẩm. Tuy nhiên qua Trung Quốc, nước bạn còn xét nghiệm một lần nữa. Điều này có nghĩa là kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp Việt đang chưa được Trung Quốc chấp nhận, và phải chờ vào kết quả từ nước bạn.
Việc không thống nhất về kết quả xét nghiệm đang gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, bởi dù sao khiến cho chúng tôi dù có năng lực cung ứng lớn nhưng vẫn không dám đẩy mạnh.
Một điểm đáng chú ý khác là các điều khoản ký kết, trong nghị định thư nêu: Nếu phát hiện sản phẩm nhập vào nước bạn mà có chứa thành phần vượt tiêu chuẩn quy định hoặc nhiễm độc sẽ bị hủy bỏ và không hoàn trả. Chi tiết này rất "nguy hiểm" cho doanh nghiệp nhất là đi hàng cỡ 2, 3 tấn.
"Bởi với kết quả xét nghiệm có tính một chiều của nước bạn, lỡ xảy ra vấn đề thì mất trắng toàn bộ lô hàng, dù ở Việt Nam lô hàng đó hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn”- ông Khiêm trăn trở trước điểm mâu thuẫn về điều khoản này.
Đại diện Hiệp hội yến sào Việt Nam cũng đề xuất, trong thời gian tới rất mong cơ quan ban ngành đàm phán với chính quyền Trung Quốc trong việc thống nhất quản lý, nhất là kết quả xét nghiệm để chống "độc quyền" kết quả xét nghiệm. Vị này đề xuất, hai nước nên chỉ ra 2 -3 đơn vị xét nghiệm được công nhận quốc tế, để doanh nghiệp yên tâm trong vấn đề thủ tục xuất khẩu.
Cơ hội về ngành tổ yến rất nhiều
Là lãnh đạo của hai doanh nghiệp sản xuất yến, gồm Việt Nam Quốc Yến và Công ty TNHH Khang Châu, ông Khiêm cho rằng, dư địa ngành yến còn rất nhiều. Tuy nhiên ngành yến sào Việt Nam vẫn đang chưa định hình được ngay tại trong nội địa.
“Hiện nay theo các nghị định được ký kết giữa các nước khối ASEAN, các sản phẩm nông nghiệp đang được tự do thông thường, nhưng khi tổ yến của nước ta xuất khẩu qua Thái Lan, Maylaysia thì bị kiểm tra rất gắt gao.
Trong khi đó, tổ yến của các nước khối ASEAN vào nước ta, nhất là bằng con đường tiểu ngạch vẫn chưa được quản lý chặt. Họ mang cả các sản phẩm không tem, nhãn với giá rất rẻ rồi trà trộn vào sản phẩm yến của nước ta, khiến cho đối tác lo sợ về nguồn gốc hàng hóa. Đây là điểm bất cập gây ảnh hưởng tới uy tín ngành yến, và sự cạnh tranh thị trường”- ông Khiêm nói.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất tổ yến tại Khánh Hòa cũng thừa nhận, cơ hội Việt Nam về ngành tổ yến rất nhiều. Tuy nhiên, thị trường lại đang bị ảnh hưởng bởi yến kém chất lượng được đưa vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch.
Hiện giá yến tươi đạt từ 15 -17 triệu/kg, thấp hơn mức 5 năm trước là 30 triệu đồng. Giá yến tinh chế cao hơn ở mức 40 – 50 triệu đồng/kg. Đây là mức giá không cao nếu so với chất lượng và năng lực của Việt Nam.
“Do đó, để định hình lại thị trường, cũng như nâng cao giá bán tổ yến Việt, cần quản lý chặt nguồn gốc yến nhập khẩu. Yêu cầu cơ quan chức năng phải kiểm soát gắt gao, dán tem để cho người dùng phân biệt yến nước ta và yến ngoại nhập.
Chưa kể giá nhập khẩu cũng phải khác giá trong nước, để người tiêu dùng có một sự so sánh phân biệt. Từ đó thúc đẩy giá trị thương hiệu ngay tại thị trường nội địa, và tiến tới quốc tế. Khi thị trường ổn định thì mới có cơ sở để “deal” (đàm phám) lại giá thị trường”- ông Khiêm khẳng định.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, từ những ngày đầu hiệp hội cùng các doanh nghiệp đã rất vất vả để cùng cơ quan nhà nước mở cửa thành công cho ngành yến, nhưng tới nay kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Hiện yến sào chỉ mới xuất khẩu thô, giá trị chưa cao, trong khi các sản phẩm chế biến tinh có giá trị hơn thì vẫn chưa xuất khẩu được do có nhiều yếu tố thương mại chưa thuận lợi.
Để đạt được con số dự kiến trong năm 2024 xuất khẩu khoảng 60 tấn yến, đòi hỏi sự hợp lực và phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong hiệp hội để tránh cạnh tranh về giá và nguồn nguyên liệu.