Ngày 1-8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai nhằm trao đổi, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực của ngành NN&PTNT.
Tại buổi làm việc, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có hướng dẫn chuyển đổi diện tích rừng nghèo sang trồng cao su có hiện tượng chết, kém phát triển sang đầu tư các dự án khác, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế tại địa phương.
Cụ thể, xin được chuyển đổi hơn 16.000 ha cao su bị chết, kém phát triển (gồm 4.344 ha phát sinh từ 2018 đến nay và 12.039 ha đã tổng hợp báo cáo trước đó).
Liên quan vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su không hiệu quả, chỉ trồng được hơn 25.000 ha nhưng có đến hơn 16.000 ha cao su bị chết, kém phát triển.
Trong giai đoạn 2008-2011, UBND tỉnh Gia Lai đã cho phép 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Pa….
Trả lời ý kiến về diện tích cao su bị chết, kém phát triển, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, cho rằng việc chuyển đổi sang cây trồng khác cây ngoài lâm nghiệp phải tuân theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Nếu chuyển mục đích sử dụng rừng trồng thì phải trồng rừng thay thế bằng một diện tích tương đương; đối với rừng tự nhiên phải trồng rừng thay thế bằng ba lần diện tích chuyển đổi.
Từ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi 12.039 ha cao su bị chết, phát triển kém sang cây trồng khác. Vì vậy, đề nghị tỉnh Gia Lai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan nội dung trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cho rằng việc đề xuất chuyển đổi rừng này không chỉ có văn bản đề nghị, mà cần phải có hồ sơ đánh giá nguyên nhân, mục đích và phương án chuyển đổi. Phải có chứng lý, tài liệu cụ thể để làm cơ sở đề xuất.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Gia Lai phải chuẩn bị kỹ tài liệu, hồ sơ về việc chuyển đổi rừng này để gửi các cơ quan chức năng xem xét, lấy ý kiến.
"Đây không phải vấn đề của Gia Lai mà là vấn đề của Tây Nguyên, do đó cần phải làm hết sức nghiêm ngặt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đồng ý giữ nguyên 4.757 ha rừng tại dự án hồ thủy lợi Ia Mơ
Ngày 26-1, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản đề xuất phương án giữ lại, không chuyển mục đích sử dụng 4.757 ha rừng tự nhiên để làm khu tưới như phương án ban đầu tại Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơ. Đồng thời, đề nghị thay thế diện tích nêu trên bằng 4.898 ha đất canh tác (trong đó, có gần 3.700 ha cao su kém phát triển).
Tại buổi làm việc sáng 1-8 với tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Diện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, thống nhất với các đề nghị của tỉnh Gia Lai, giữ lại 4.757 ha rừng tự nhiên và chuyển đổi sang khu tưới như hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đề nghị, vẫn đảm bảo mục đích phát triển, bảo vệ biên giới và mang lại hiệu quả dự án.
Bộ đã giao cho Ban 8 chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan của hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk rà soát đề xuất điều chỉnh, mở rộng khu tưới thuộc dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơ.
Khi có kết quả chính thức, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, mở rộng khu tưới của dự án và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh trong trung hạn 2026-2030, đảm bảo phát huy mục tiêu, nhiệm vụ dự án đã đề ra.
Trước đó, năm 2005, công trình thủy lợi Ia Mơ được phê duyệt đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng. Dự án có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 14.000 ha đất canh tác cho người dân hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Năm 2017, đập thủy lợi Ia Mơ hoàn thành, chặn dòng tích nước, có dung tích gần 180 triệu m3, diện tích mặt nước 2.800 ha. Tuy nhiên, dự án bị vướng hơn 4.700 ha đất rừng không thể chuyển đổi rừng thành vùng tưới, không đạt mục tiêu như ban đầu.